Nhìn lại hoạt động của VSD trong 15 năm qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Trần Vẵn Dũng đánh giá, VSD đã và đang hoàn thành tốt vai trò và sứ mệnh đặc biệt của mình, đảm bảo cho các dòng tiền và tài sản trên TTCK luôn chu chuyển nhịp nhàng, thông suốt, an toàn hiệu quả và bảo mật; góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của TTCK Việt Nam,
Trên chặng đường gần 15 năm hình thành và phát triển, hoạt động đăng ký lưu ký, bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán (CK) và đặc biệt là hoạt động phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới tại VSD đã đạt được những bước tiến vượt bậc cả về lượng và chất.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ cho các CK trên TTCK cơ sở, VSD đã thực hiện cung cấp dịch vụ cho các quỹ đầu tư và các dịch vụ bù trừ thanh toán cho TTCK phái sinh. Cùng với phạm vi cung cấp dịch vụ mở rộng, khối lượng công việc do VSD thực hiện ngày càng gia tăng theo quy mô của thị trường.
Thực hiện triển khai Luật CK năm 2019 và các giải pháp cơ cấu lại TTCK theo Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ; lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cơ quan quản lý; phương án tái cơ cấu VSD giai đoạn 2016-2020, chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của VSD, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường nói chung và của VSD nói riêng, hơn nữa, với mong muốn “nâng tầm vị thế” và trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trên chặng đường vừa qua, VSD đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm bù trừ và lưu ký hàng đầu khu vực.
Theo lãnh đạo VSD, trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt hơn trong năm 2020 - năm có ý nghĩa quan trọng, kỷ niệm 20 năm hoạt động của TTCK, cũng như kỷ năm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính - VSD sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, cụ thể:
Thứ nhất, chuẩn bị các công tác cho việc chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty theo Luật CK năm 2019 sau khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là dấu ấn trong chặng đường phát triển của VSD nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tổ chức lưu ký bù trừ hàng đầu khu vực.
Thứ hai, tham gia xây dựng/góp ý hoàn thiện cho các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật CK năm 2019; phối hợp với chủ đầu tư triển khai kịp thời các công việc liên quan đến gói thầu 04 về “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin – Sở GDCK TP. HCM” nhằm xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường.
Thứ ba, VSD sẽ nghiên cứu triển khai một số sản phẩm/dịch vụ mới để sẵn sàng triển khai khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý như: nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán CK chờ về; dịch vụ quản lý CK thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với CK đã đăng ký tập trung tại VSD theo yêu cầu của khách hàng; mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở; tiếp tục nghiên cứu và triển khai hợp đồng tương lai trên bộ chỉ số mới và triển khai cung cấp dịch vụ cho sản phẩm Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.v.v..
Thứ tư, VSD cũng sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ như đầu tư xây dựng hệ thống cổng giao tiếp điện tử cho tổ chức phát hành, nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain, Big data, e-passbook, v.v. tạo nền tảng để VSD nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Thứ năm, với mong muốn vươn cao và vươn xa hơn nữa, VSD sẽ nghiên cứu để mở rộng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các giao dịch xuyên biên giới, hướng tới các liên kết quốc tế để vòng tuần hoàn tiền và tài sản không chỉ luân chuyển nhịp nhàng, thông suốt an toàn trên thị trường CK trong nước mà còn lan tỏa ra các thị trường khu vực và quốc tế, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu phát triển của thị trường.
“VSD tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN, sự ủng hộ của các thành viên thị trường, tổ chức phát hành, nhà đầu tư và nỗ lực của tập thể lãnh đạo nhân viên VSD cũng như sự hỗ trợ của toàn ngành CK, VSD sẽ hoàn thành tốt các nhóm giải pháp nêu trên, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam...” - đại diện VSD khẳng định.
Chỉ riêng việc cung cấp dịch vụ trên TTCK cơ sở, tính đến ngày 31/5/2020, số dư mã CK đăng ký tại VSD là 2.353 mã, với tổng số dư CK đăng ký tại VSD đạt 164 tỷ CK, tăng gấp 7,7 lần về số mã CK và tăng gấp 51,1 lần về số CK so với năm 2006;
Cùng với hoạt động đăng ký, hoạt động lưu ký cũng có kết quả khả quan với tổng số dư CK lưu ký tại VSD đạt gần 94 tỷ CK, tăng 45 lần so với năm 2006 và (chiếm hơn 57% tổng số CK đăng ký tại ngày 31/5/2020).
Số lượng thành viên lưu ký và tổ chức mở tài khoản trực tiếp của VSD là 121 thành viên và tổ chức (bao gồm 82 công ty CK, 6 ngân hàng lưu ký trong nước, 8 ngân hàng lưu ký nước ngoài và 25 tổ chức mở tài khoản trực tiếp).
Tổng giá trị thanh toán giao dịch CK qua VSD từ năm 2006 đến ngày 31/5/2020 đạt hơn 22 triệu tỷ đồng, tăng 355 lần so với năm 2006. Riêng 5 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị thanh toán qua VSD đã đạt tới con số 1,6 triệu tỷ đồng.
Tính đến 31/5/2020, số lượng tài khoản nhà đầu tư do VSD quản lý đến ngày 31/5/2020 là 2,5 triệu tài khoản, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010. Tổng mã số giao dịch CK đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài là 34.052 mã số, trong đó, có 29.389 mã số cá nhân và 4.663 mã số tổ chức, lần lượt tăng 13,3 lần và gần 26 lần.