Sự mô phạm của người thầy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sự việc phụ huynh mang dao xông vào trường uy hiếp Hiệu trưởng xảy ra ở một trường tiểu học thuộc tỉnh Thanh Hóa gần đây đã thu hút mối quan tâm rất lớn từ dư luận. Không ít ý kiến cho rằng “thành trì” của đạo lý “Tôn sư, trọng đạo” – một truyền thống tốt đẹp đã bị “xuyên thủng”!
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ và vụ việc này xảy ra mới có cảnh báo về sự mai một của đạo lý “Tôn sư, trọng đạo”. Có lẽ, từ lâu lắm rồi, từ ngày mà cuộc sống nhà giáo khó khăn, tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai, từ bán nước chè đến bơm xe đạp, buôn bán đường dài…

Rồi, sự thương mại hóa học đường mượn danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục” thịnh hành ở khắp các địa phương, tất cả các cấp học. Tiếp đến là các vấn nạn dạy thêm, học thêm, phong trào “Sổ vàng”, “đóng góp tự nguyện”… Tất cả những thứ đó đều nhắm đến tiền và tiền có thể chi phối ngược lại các mối quan hệ thầy – trò, phụ huynh – giáo viên, nhà trường – gia đình.

Hình ảnh người thầy mô phạm đâu còn nữa trong con mắt của mọi người thì còn đâu sự gìn giữ truyền thống “tôn sư”? Thành trì của giáo dục là kính thầy, trọng đạo lý đã bị xói mòn trong tâm thức cộng đồng, đặc biệt là những người đi học.

Trở lại với vụ việc trên, ông bố có những đứa con bị “bêu” ở trường do chưa nộp tiền bảo hiểm bắt buộc đã bị khởi tố về hành vi quá khích của mình trong một cơn nóng nảy không kiềm chế. Còn ông Hiệu trưởng cũng đang bị xem xét về hành vi phản giáo dục của mình.

Dư luận vẫn chưa thể nguôi ngoai, chưa hết lo lắng và vẫn có những ý kiến trái chiều nhau, nhất là, cùng thời điểm với vụ việc này, cũng có nhiều sự việc khác xảy ra trong khuôn viên nhà trường làm người trong cuộc và xã hội đau lòng.

Thế mới thấy, sự mô phạm cần phải có của người thầy, tức là mẫu mực ứng xử trong mọi mối quan hệ, đó mới chính là chất kết dính làm nên sự vững chãi của thành trì “tôn sư, trọng đạo”!

Đọc thêm