Sự nguy hiểm của tin giả dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời điểm này, tin giả càng trở nên nguy hiểm vì gây thêm nỗi hoang mang cho người dân vốn đã khó khăn vì tình hình dịch bệnh.

Hoang mang vì tin giả

Mới đây, người dân TP HCM một phen hoang mang vì xuất hiện những clip, hình ảnh miêu tả tình hình người chết hàng loạt trong thành phố. Trong đó có hình ảnh gây hoảng sợ vì cảnh người chết bị quấn kín nằm san sát nhau trong một căn phòng. Bức ảnh này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, đồng thời chú thích là cảnh trong một bệnh viện dã chiến tại TP HCM. Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) - Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định thông tin trên là giả mạo, hình ảnh được lan truyền xuất phát từ Indonesia.

Một trong những tin giả bị VAFC đóng dấu giả mạo.

Một trong những tin giả bị VAFC đóng dấu giả mạo.

Một số clip khác xuất phát từ nước khác, được lồng tiếng Việt cũng xuất hiện trên mạng với nội dung “y tế đến khiêng xác người” hay “người nhiễm bệnh không ai chăm trong khu cách ly”. Tuy hình ảnh không rõ ràng nhưng những lời bình luận cường điệu đã gây hoang mang dư luận.

Nhiều cá nhân lan truyền các thông tin thất thiệt, không rõ nguồn gốc như “khu vực quận x... đang có nhiều người chết, xe cấp cứu chạy đầy đường” hay “cả gia đình chết vì Covid mà không ai cứu chữa” hoặc “con số người chết nhiều lắm mà bị giấu”... Rất nhiều thông tin phiếm chỉ, nguồn tin “nghe nói” và “thấy bảo”, nhưng nhiều người vẫn tin vào và tích cực lan truyền.

Thời điểm TP HCM mới áp dụng Chỉ thị 16, cũng có không ít tin giả lan truyền khắp nơi. Có những ảnh chụp màn hình tin nhắn mạo danh cho biết “thành phố sắp phong tỏa kiểu mới”, toàn bộ phương tiện vận chuyển sẽ tuyệt đối không được ra vào thành phố. Thông tin này khiến một bộ phận người dân đổ xô vào các điểm mua sắm tích trữ hàng hóa. Một thông tin khác cũng được truyền đi trong thời điểm giãn cách, là toàn bộ các shipper từ hãng xe ôm công nghệ sẽ phải ngưng hoạt động sau 2 ngày. Một số người vì thế lo lắng đặt hàng qua mạng khiến lực lượng giao hàng bị quá tải. Sau đó, đại diện các hãng xe ôm công nghệ phải lên tiếng đính chính thông tin để trấn an người dân.

Cần xử lý nghiêm

Mới đây, Công an TP Cần Thơ phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ làm việc với hai cá nhân có hành vi tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. Hai người phụ nữ liên tục đăng tin về ca dịch xuất hiện tại Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ và thông tin một “cô bán bún” có con từ TP HCM về lây cho toàn bộ Cần Thơ, sau đó hai mẹ con tử vong. Cơ quan chức năng đã hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt hành chính 2 người về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân trên Facebook”.

Từ đầu năm cho đến nay, Công an TP HCM cũng xử lý không ít ca tung tin giả về Covid-19. Tình hình tin giả đã lắng xuống nhờ sự quyết liệt của cơ quan chức năng và tẩy chay của cộng đồng nhưng gần đây lại quay trở lại. Không chỉ gây nỗi lo sợ, các tin giả còn khiến một số người dân kéo nhau rời thành phố bất chấp, đổ xô đi tích trữ thực phẩm hoặc tập trung mua sắm một loại thực phẩm nào đó, gây bất ổn thị trường, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Hiện, đa số các trường hợp tung tin giả đều bị xử lý theo hướng phạt hành chính. Tuy nhiên, trước hậu quả tin giả có thể gây nên, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe các đối tượng tung tin giả mạo, giúp trấn an dư luận.

Đọc thêm