Hút thuốc lá có những tác hại nghiêm trọng đối với học sinh và sinh viên, không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến khả năng học tập và phát triển cá nhân. Tại nước ta, tình trạng hút thuốc lá, thuốc lá điện tử (gọi chung là thuốc lá) ở học sinh, sinh viên đang ở mức đáng báo động.
3 tác hại của thuốc lá đối với học sinh, sinh viên
Theo Sở Y tế Đắk Nông, việc học sinh, sinh viên hút thuốc lá gây nhiều hệ lụy, trong đó có một số tác hại chính.
Thứ nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe. Học sinh và sinh viên đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng về thể chất, hút thuốc lá có thể gây tổn thương cho hệ thống hô hấp và các cơ quan khác trong cơ thể. Tác nhân gây ung thư có trong thuốc lá, như nicotin và các chất hóa học khác, có thể tăng nguy cơ mắc các loại ung thư trong tương lai. Ngoài ra, việc hút thuốc lá từ khi còn trẻ có thể tạo nên một thói quen khó bỏ, gây ra những vấn đề về sức khỏe lâu dài. Nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như bệnh tim, mạch và các vấn đề hô hấp tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe trong tương lai của học sinh và sinh viên.
Thứ hai là ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập. Nicotin là chất gây kích thích, nhưng cũng có thể tạo ra tình trạng lạc quan và sau đó là cảm giác mệt mỏi. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và hiệu suất học tập của học sinh và sinh viên. Việc thường xuyên rời lớp học để hút thuốc cũng có thể làm gián đoạn quá trình học tập và ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
Thứ ba, nguy cơ nghiện và gia tăng nhu cầu tăng liều. Học sinh và sinh viên thường nghiện hút thuốc lá ở độ tuổi trẻ có thể dẫn đến tình trạng nghiện nặng hơn khi họ trưởng thành. Nhu cầu tăng liều để đạt được cảm giác kích thích có thể gây hại nặng hơn cho sức khỏe và tăng nguy cơ nghiện các chất khác ngoài thuốc lá.
Sự quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc hút thuốc
Cũng theo chuyên gia, có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng hút thuốc lá ở học sinh, sinh viên. Nguyên nhân đầu tiên là do những người thân ở xung quanh hút thuốc. Ở độ tuổi học sinh, sinh viên, đa phần các em có xu hướng bắt chước thói quen của người lớn. Các em luôn tò mò khám phá với thế giới xung quanh, vì thế nên nhìn thấy người lớn hút thuốc sẽ muốn làm theo.
Bên cạnh đó, một số học sinh, sinh viên hút thuốc vì thích khẳng định bản thân. Tuổi này, đa số các em đều thích thể hiện bản thân và dễ bị lôi kéo, rủ rê hút thuốc lá và đặc biệt muốn thử nghiệm. Gia đình hay môi trường xung quanh có người nghiện thuốc lá sẽ là nguyên nhân khiến các em có xu hướng hút thuốc lá theo.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viên hút thuốc là sự quản lí lỏng lẻo của gia đình. Những đứa trẻ hút thuốc thường không nhận được sự quan tâm sát sao của gia đình.
Điển hình là sự việc nhóm học sinh nữ một trường tiểu học An Giang hút thuốc trong khuôn viên trường cuối tháng 3/2025. Một phụ huynh phản ánh, thường xuyên thấy các nữ sinh này hút thuốc. Dù người lớn đều la nhắc nhưng các em không nghe. Đáng chú là là hầu hết các em này không sống với gia đình, cho thấy rõ sự thiếu vắng vai trò định hướng và chăm sóc của người lớn.
Sự việc này không chỉ gây xôn xao trong dư luận mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục, uốn nắn hành vi con trẻ. Khi gia đình buông lỏng quản lý, trẻ em dễ rơi vào lối sống lệch lạc, tìm đến những hành vi mang tính tiêu cực như hút thuốc để khẳng định bản thân hoặc vì ảnh hưởng từ bạn bè.
Giải pháp giúp học sinh, sinh viên “nói không” với thuốc lá
Để ngăn chặn tệ nạn hút thuốc lá trong trường học, cần có sự phối hợp giữa học sinh, sinh viên với nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng. Nhà trường cần trang bị cho các em kĩ năng từ chối; phân tích cho các em hiểu rõ tác hại của việc hút thuốc lá để có lập trường vững vàng trước những lời mời của của các bạn hay những người xung quanh. Ngoài ra, các trường học và cơ sở giáo dục cần xây dựng môi trường không khói thuốc, bao gồm việc thiết lập khu vực cấm hút thuốc.
Gia đình cần thường xuyên quan tâm và quản lí sinh hoạt của con cái về thời gian cũng như các mối quan hệ bạn bè; sát sao, đồng hành cùng con, nắm bắt tâm lí, những thay đổi của con em mình và có sự động viên, khích lệ kịp thời. Bố mẹ, người thân trong gia đình nên làm gương cho con cái, không nên hút thuốc lá, thường xuyên giáo dục cho các em về tác hại của thuốc lá.
Một giải pháp khác là sử dụng các phương tiện truyền thông để tăng cường nhận thức cho người dân về tác động của thuốc lá và thúc đẩy lối sống lành mạnh.
Đối với những người đang trải qua áp lực tâm lí hoặc stress, việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lí và tư vấn có thể giúp họ tìm ra các cách khác để giải quyết vấn đề thay vì lựa chọn hút thuốc lá.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc giúp cho học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về những nguy cơ của việc hút thuốc lá đến sức khỏe và tương lai của các em. Ngoài sự tích cực của gia đình và nhà trường, cần sự quan tâm hơn nữa của các ban ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc chung tay tuyên truyền đến học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá cũng như có các biện pháp quản lí phù hợp.