Anh hút thuốc lá từ khi nào và lý do tại sao hút?
- Tôi bắt đầu hút thuốc từ năm thứ 2 học cao đẳng. Ban đầu thấy bạn bè hút rất "ngầu" nên tôi thử cho vui, rồi dần dần trở thành người nghiện thuốc lá lúc nào không hay. Sau này khi đi làm, áp lực công việc, thói quen sinh hoạt khiến tôi bị lệ thuộc vào điếu thuốc. Tôi làm trong ngành xây dựng, thường xuyên làm ngoài công trường, nhịp độ cao, thỉnh thoảng có thời gian nghỉ là rít một điếu thuốc. Nó dần trở thành thói quen, mệt hút, buồn ngủ hút, căng thẳng cũng hút. Trung bình mỗi ngày, tôi hút khoảng 2 bao thuốc, đều đặn suốt nhiều năm.
Tại sao anh quyết định bỏ thuốc? Hãy kể về hành trình bỏ thuốc của anh!
- Ban đầu tôi nghĩ việc hút thuốc là bình thường, như một cách để giải tỏa stress, không ảnh hưởng đến ai. Sau khi lập gia đình, vợ có đề nghị tôi bỏ thuốc nhưng tôi ậm ờ rồi cho qua. Chỉ đến khi vợ thông báo mang thai con đầu lòng, tôi mới nghiêm túc tìm hiểu thông tin về những tác hại của thuốc lá và quyết tâm từ bỏ.
Quyết định bỏ thuốc của tôi được cả gia đình ủng hộ, đặc biệt là sự động viên của vợ. Vợ tôi còn lên kế hoạch chi tiết từng ngày, từng tuần. Hàng ngày, vợ sắp xếp cho tôi giờ giấc sinh hoạt có nề nếp để từ bỏ thói quen hút thuốc lá và ăn uống đúng bữa, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh cảm giác "thèm thuốc".
Thú thực quyết định bỏ thuốc đến nhanh nhưng hành trình thực hiện thì không hề dễ dàng. Nhớ lại những ngày đầu tiên tập bỏ thuốc, tôi phải chống chọi với cảm giác bứt rứt, cáu gắt và thèm thuốc đến mức tay run lên mỗi khi nhìn thấy người khác hút. Có những lúc tưởng như muốn bỏ cuộc. Tôi nhớ có những ngày, cố gắng kìm nén cả buổi, nhưng rồi lại lén trốn ra ban công hút vài hơi cho "đỡ vật". Nhiều lần đang lén hút thì bị vợ phát hiện lại vội vàng dập điếu thuốc đi. Lúc đó vợ tôi chỉ nhìn mà không nói lời nào càng khiến tôi áy náy. Sau những lần đó, tôi quyết tâm bỏ thuốc hơn, nhưng thú thật đã nhiều lần tái nghiện trong âm thầm.
Thói quen trước đây, mỗi sáng uống cà phê, ăn trưa và sau ăn tối, tôi đều phải làm 1 điếu thuốc lá. Nhưng quyết tâm cai thuốc, tôi bỏ không hút vào những thời điểm đó mà tìm việc khác để làm. Cứ làm như thế khoảng 2 - 3 ngày, những cơn thèm thuốc lá từ từ giảm dần và dứt hẳn. Sau khoảng hơn 4 tháng kiên trì, tôi kiểm soát được cơn thèm và không còn phụ thuộc vào thuốc lá. Bỏ được thuốc tôi thấy cơ thể mình có những thay đổi tích cực như: ngủ và ăn ngon hơn, không còn những cơn ho vào sáng sớm, không còn mùi khói thuốc ám trong quần áo và tinh thần cũng trở nên minh mẫn, lạc quan hơn. Đặc biệt, mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được một khoản chi phí.
Anh có suy nghĩ gì sau khi bỏ thuốc lá? Lời khuyên của anh dành cho những người đang hút thuốc lá và có ý định từ bỏ thuốc.
- Đáng nhẽ tôi nên bỏ thuốc lá sớm hơn hoặc không hút ngay từ đầu vì tôi nhìn thấy được nhiều lợi ích từ việc mình dừng hút thuốc lá, không chỉ cho bản thân mà cả những người xung quanh mình. Bỏ thuốc lá không chỉ là chiến thắng cơn nghiện, mà còn giúp tôi chiến thắng chính bản thân mình.
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, tôi cảm nhận được điều đó suốt nhiều năm nghiện thuốc vì vậy tôi muốn khuyên mọi người hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Một số kinh nghiệm giúp tôi cai thuốc thành công mà mọi người có thể áp dụng như: Tập thể dục, nhai kẹo cao su, ăn trái cây, ra ngoài đi bộ thay vì cầm điếu thuốc, hạn chế đến những nơi dễ khiến mình hút thuốc lại... Không cần ép bản thân phải bỏ thuốc trong thời gian ngắn, hãy vạch ra mục tiêu cụ thể mỗi ngày rồi tăng dần lên. Yếu tố quan trọng nhất để cai nghiện thuốc lá đó là sự quyết tâm, kiên trì, sau nhiều lần thất bại chắc chắn sẽ bỏ thuốc thành công.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Những con số đáng báo động liên quan đến thuốc lá
Theo số liệu thống kê của WHO, thuốc lá đang gây ra khoảng 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Mỗi năm có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó có 64% số tử vong do hút thuốc lá thụ động là nữ và 160 nghìn ca tử vong là trẻ em dưới năm tuổi.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện hiệu quả.
Thuốc lá có liên quan đến 25 căn bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu như đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân khi hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi lên tới 96,8%. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.