Sự quyến rũ bất tận của Olympia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay, 11/8, Thế vận hội mùa hè Olympic Paris 2024 đã chính thức khép lại, nhưng dư âm còn để lại rất lâu trong lòng những người yêu thể thao. Điều đáng nói, từ Thế vận hội thiêng liêng Olympia (bây giờ gọi là Olympic) xưa đến nay, dù mọi thứ đổi thay quá nhiều qua lịch sử, nhưng Thế vận hội vẫn là nơi quyến rũ khán giả bằng những màn trình diễn sức mạnh, sức bền, kỹ năng và tình đoàn kết nhân loại.
Ảnh minh họa trong bài: Reuters
Ảnh minh họa trong bài: Reuters

Loan tin khắp nhân gian

Để chuẩn bị một Olympia phải bắt đầu từ những “Những người truyền tin”. Họ đi đến tất cả các thành phố lớn của Hy Lạp quanh Địa Trung Hải để rao tin ngày diễn ra Thế vận hội. Điều đặc biệt là khi thông báo chuẩn bị Olympia diễn ra, mọi nơi sẽ có cam kết không gây chiến. Tất cả đều muốn Thế vận hội diễn ra an toàn cho những người đến thi đấu, xem Olympia trong hoà bình. Ngoài việc ngừng chiến, các phiên tòa xét xử hình sự bị đình chỉ và việc thi hành án tử hình không được diễn ra.

Theo cách tính toán về thiên văn, Thế vận hội được diễn ra sau vụ thu hoạch mùa hè. Điều này có nghĩa là Thế vận hội thường được tổ chức vào khoảng tháng 8 đến tháng 9. Thời gian này vẫn còn được tiếp nối cho tới nay.

Sau khi người đưa tin rời đi, các thành phố bắt đầu cuộc tìm kiếm các vận động viên nam trẻ tuổi, với mục đích chọn ra những người xuất sắc nhất để đại diện cho họ tại lễ hội mùa hè danh giá ở Olympia. Sự tuyển chọn gắt gao đã có kết quả. Các giám khảo công bố tên của các vận động viên được chọn để đại diện cho thành phố trong Thế vận hội.

Khoảng hai tháng trước khi Thế vận hội diễn ra, các vận động viên và huấn luyện viên sẽ hướng đến Elis. Thành phố này sẽ là nơi tổ chức Thế vận hội, nằm không xa địa điểm tổ chức Olympia. Đây có thể xem như là làng vận động viên bây giờ.

Theo quy định của Thế vận hội, các vận động viên phải ở lại Elis trong khoảng sáu tuần trước khi Thế vận hội bắt đầu. Trong thời gian này, họ sẽ trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên của mình cũng như các huấn luyện viên do hội đồng Olympia chỉ định. Đây là những ông thầy cực kỳ nghiêm khắc và được dùng roi để đánh đập VĐV nếu tập luyện không theo ý mình.

Địa điểm thi đấu của Olympia

Nằm trong một thung lũng xanh tươi được nuôi dưỡng bởi các con sông Alpheios và Kladeos và được bao quanh bởi những ngọn đồi nhấp nhô là địa điểm linh thiêng Olympia. Nơi đây từng là nơi có một loạt các tòa nhà, đền thờ lớn và nhiều địa điểm khác nhau dành riêng cho việc tổ chức các cuộc thi đấu thể thao.

Ba ngày trước Thế vận hội, các vận động viên cùng với các quan chức, huấn luyện viên sẽ diễu hành từ Elis đến Olympia. Sau đó, sau hai ngày chuẩn bị kỹ lưỡng, lễ hội kéo dài năm ngày bắt đầu.

Ngày đầu tiên, những người tham gia bắt đầu bằng một cuộc diễu hành đến Altis để tuyên thệ, hiến tế và dâng lễ vật. Tại đây họ tuyên thệ trung thành với thần Zeus và tuân thủ các quy tắc Olympia. Sau đó các cuộc thi thể thao mới được tổ chức.

Đua ngựa là sự kiện đầu tiên của lễ hội Olympia. Trường đua ngựa là di tích lớn nhất tại địa điểm Olympia, nhưng hiện tại không còn di tích nào. Người ta cho rằng lũ lụt thời trung cổ của Sông Alfeios là nguyên nhân gây ra sự phá hủy của nơi này. Các cuộc đua ngựa rất cạnh tranh với nhiều cảnh tượng bạo lực có thể kết thúc bằng sự chết chóc của cả người và ngựa.

Đường chạy xưa cũng có các rãnh song song chia mỗi vận động viên chạy. Các vận động viên phải đứng với cánh tay duỗi ngang, ở tư thế rất khác so với những gì chúng ta thường thấy trong các cuộc thi chạy ngày nay. Khi một vận động viên xuất phát sai, họ sẽ bị trọng tài phạt về mặt thể chất. Hình phạt này cũng được trọng tài áp dụng trong các cuộc thi khác. Các vận động viên thi đấu hoàn toàn khỏa thân. Ban giám khảo sẽ trao giải cho người chiến thắng dựa trên một loạt các động tác được thực hiện tốt, theo cách tương tự như cách chấm điểm Thể dục nghệ thuật ngày nay.

Cuộc thi cuối cùng của ngày thứ tư là một cuộc chạy bộ khác. Lần này, những người chạy mặc áo giáp, bao gồm mũ sắt, khiên và ống đồng, một trọng lượng rất nặng nề khi chạy.

Môn nhảy xa này có một số điểm tương đồng với bây giờ. Điều khác là các vận động viên mang theo một vật nặng bằng đá hoặc kim loại ở mỗi tay và họ thả ra khi thực hiện cú nhảy. Người ta không biết liệu những vật nặng này được sử dụng để hỗ trợ cho cú nhảy hay nhằm mục đích tăng thêm mức độ khó cho vận động viên. Ngoài ra còn có sự kiện ném lao và ném đĩa như các cuộc thi Olympic bây giờ. Đĩa được làm bằng đá hoặc đồng và trọng lượng của chúng khoảng 2-2,5kg.

Những sàn đấu đẫm máu

Đấu vật đứng thắng là một trận đấu mà vận động viên phải đứng hoặc thẳng đứng, khi đánh đối thủ ngã ngửa. Người chiến thắng là người thực hiện được điều này ba lần. Ngoài ra các vận động viên sẽ thi đấu thêm môn Kato Pale. Khi thi đấu ở tư thế khom người cho đến khi một trong số họ thừa nhận thất bại, một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ tay lên với ngón trỏ duỗi ra. Nó giống như môn đấu vật hiện nay.

Có một số điều cấm trong đấu vật: không được cắn, đánh, bẻ ngón tay, tóm bộ phận sinh dục của đối thủ hoặc cố gắng móc mắt họ. Trọng tài sẽ quan sát, vận động viên nào vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng roi.

Môn quyền Anh có mặt bây giờ được khởi phát từ Olympia. Các vận động viên phải tung ra những cú đánh vào đối thủ cho đến khi họ đầu hàng, một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ, tương tự như môn Kato Pale. Được phép đánh đối thủ ngay cả khi họ nằm trên mặt đất. Tuy nhiên, các hành động như cắn, đá hoặc làm đối thủ vấp ngã đều bị cấm. Hồi đó các vận động viên quyền anh dùng “Himantes” - đây là loại băng quấn tay và cổ tay làm từ những dải da bò thuộc được quấn quanh bàn tay và cổ tay để bảo vệ các đốt ngón tay khi thi đấu. Mỗi dải băng dài bốn mét.

Pankration - là môn võ này là sự kết hợp giữa quyền anh và đấu vật. Không sử dụng bất kỳ biện pháp bảo vệ tay nào. Đây là môn võ bạo lực nhất, cho phép thực hiện hầu hết mọi kiểu tấn công ngoại trừ cắn hoặc cố gắng khoét mắt đối thủ. Thất bại được xác nhận khi một trong những đấu sĩ đầu hàng, giơ ngón trỏ lên.

Vinh danh người chiến thắng

Ngày chính lễ hội, trùng với ngày trăng tròn và gắn liền với các sự kiện và nghi lễ tôn giáo. Các cuộc thi tạm dừng và có thể coi đây là “ngày khai mạc chính thức Olympia”. Một đám rước lớn diễn ra bên trong Altis, kết thúc tại bàn thờ thần Zeus với nghi lễ hiến tế 100 con bò dưới đống lửa lớn, được dâng lên thần Zeus.

Bàn thờ thần Zeus được đặt cao trên tro cốt tích tụ từ giàn hỏa táng qua nhiều năm. Sau lễ hiến tế là một bữa tiệc lớn được tổ chức để phục vụ hàng trăm người. Vào ngày cuối cùng, lễ bế mạc là ngày vinh danh các vận động viên chiến thắng. Giải thưởng bao gồm vương miện từ cành ô liu. Những cành ô liu này được đứa trẻ cắt bằng một chiếc liềm vàng trước ngày khởi tranh Olympica và được đặt bàn thờ trong đền thờ Hera. Các vận động viên chiến thắng diễu hành từ đền thờ Hera đến đền thờ Zeus cùng với giám khảo, quan chức. Có những người chiến thắng được công bố trước bức tượng Zeus hùng vĩ, một trong Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.

Lễ hội Olympia, được tổ chức liên tục trong 1.169 năm từ năm 776 trước Công nguyên đến năm 393 sau Công nguyên. Olympia kết thúc theo lệnh của Hoàng đế La Mã Theodosius I sau khi ban hành Sắc lệnh Thessalonica vào năm 380 sau Công nguyên, yêu cầu chấm dứt. Một thiên niên kỷ rưỡi sau, Thế vận hội Olympic hiện đại mà chúng ta biết đến hiện nay đã xuất hiện. Nhiều thứ đã thay đổi và những bổ sung mới cho đa dạng hơn lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh này, như lễ rước đuốc, châm đuốc. Tuy nhiên, một số môn thể thao được ngày nay vẫn có nét tương đồng với những môn thể thao từ hàng ngàn năm trước.