Sự thật choáng váng từ những game show tiền tỷ

Cách đây 10 năm, trò chơi truyền hình với mức thưởng lên đến 30 triệu đồng đã được xem là quá "khủng", thu hút lượng người xem áp đảo. Hiện nay cuộc đua giải thưởng đã tăng lên bạc tỷ nhưng lại không đồng nghĩa với chất lượng tăng theo.
Gameshow Vừng ơi mở cửa
Gameshow Vừng ơi mở cửa
Với mức giải thưởng kỷ lục - 800 triệu đồng, game show “Không giới hạn - Sasuke Việt Nam” (được mua bản quyền từ chương trình “Sasuke Nhật Bản”), Gương mặt thân quen, ngay từ lần đầu chạm ngõ đã làm người xem choáng váng với giải thưởng 100 triệu đồng dành cho người thắng cuộc sau mỗi đêm diễn và 700 triệu đồng dành cho người chiến thắng chung cuộc. 
Bước nhảy hoàn vũ và So you think you can dance cũng có sự cạnh tranh khốc liệt về giải thưởng. Cặp đôi giành được vị trí cao nhất trong Bước nhảy hoàn vũ nhận được giải thưởng trị giá 150 triệu đồng, ngôi vị quán quân của cuộc thi cạnh tranh nhận được số tiền lên tới 400 triệu đồng. Ngoài ra, các game show khác cũng treo mức giải thưởng không hề nhỏ. Vua đầu bếp, Giọng hát Việt nhí trao cho người đoạt giải nhất 500 triệu đồng, Gương mặt thân quen tặng 700 triệu đồng cho thí sinh chiến thắng chung cuộc....
Hậu trường game show
Hậu trường game show 
Để có được giải thưởng lớn đó, các game show buộc phải kiếm được thí sinh là người nổi tiếng để tăng độ hot của mình.
Những thí sinh chỉ để câu like
Một anh chàng không phải làm gì ngoài việc mặc một bộ quần áo nữ tính, màu sắc diêm dúa đọ dáng trên phim trường của một game show mang tính hài hước sâu cay. Khi được hỏi tại sao chọn nhân vật này, nhà sản xuất trả lời thẳng vì chàng đó đang gây "bão mạng", "hot" với tuổi teen chứ chẳng có tài cán gì.
Siêu mẫu T, khi được mời tham gia một gameshow đã hỏi cặn kẽ "show này minh bạch không. Chứ em, là em ngại lắm. Mấy đồng nghiệp tham gia xong, về bực mình. Vì vui đâu không thấy, toàn bị MC, chương trình gài chiêu để làm bẽ mặt không à". Cụ thể, là tư vấn trả lời sai một cách hồn nhiên, lại nói y như thật "câu này chính xác là: trước khi Hai Bà Trưng cưỡi voi có cưỡi qua đà điểu...", khiến siêu mẫu T choáng váng. T đúc kết, may mà xin dừng cuộc chơi, chứ giả dụ thí sinh trả lời thế rồi khi lên sóng, thí sinh lại mang hết tiếng xấu "óc ngắn".
Hay như tại trường quay game show L, nữ sinh từng gây điều tiếng với một thiếu gia Sài Gòn đã được chọn vì là hotgirl đang là tên thu hút truyền thông. Tài năng, lẫn kĩ năng sống còn kém vẫn không thành vấn đề, miễn là bạn ấy có sức hút dư luận!.
Chỉ lo chạy theo tiêu chí nổi tiếng, nhà sản xuất đã mời cả những nghệ sĩ vào những sân chơi không phù hợp với năng khiếu, sở trường của họ. Bất kể celeb nào cũng vào vai ác, phút chốc trở thành nghệ sĩ kịch nói, thậm chí là vận động viên hay anh chàng/ cô nàng hoán đổi giới tính để chiều lòng nhà sản xuất, khiến hình ảnh xuất hiện của mình kệch cỡm, bị cắt gọt méo mó đến kinh ngạc. Thành ra, trò chơi trên sóng truyền hình đang trở thành cuộc đấu giữa các nhà sản xuất trong việc dụ được nhiều nhân vật showbiz tham gia và giăng bẫy họ, phục vụ cho nhu cầu câu like của đơn vị sản xuất.
Đánh vào lòng tham người xem
Một nhà sản xuất lớn còn tiết lộ: "Giải thưởng trông sang chảnh vậy thôi. Chứ phải cho thì celeb mới nhận được. Chứ BTC không ưa, thì quên chuyện celeb đoạt giải nhất hay đặc biệt đi cưng". 
Đó cũng là bộ mặt thật của nhiều game show hiện nay. Sở hữu gói câu hỏi, đáp án và tường tận luật chơi trong tay, nhà sản xuất dễ dàng hội ý để chặt chém người chơi. Thế nên, khi xem truyền hình, khi bạn thấy một celeb hay đội chơi thắng giải lớn. Đó chỉ là một nửa sự thật. Vì rất nhiều giải thưởng lớn, nhỏ mà thí sinh tham gia nhận được đã có sự đồng thuận từ trước từ phía đơn vị tổ chức.
Bùng nổ giải thưởng khủng trong khi luật chơi, trí tuệ lại na ná nhau, các game show tìm cách đánh vào long tham của khán giả. TVplus vừa tung ra phiên bản Vừng Ơi Mở Cửa đình đám, không phải vì trò chơi "quá siêu", quá hấp dẫn người xem bởi gói câu hỏi trí tuệ, đẳng cấp mà chỉ dừng lại ở tính giải trí hấp dẫn thông qua phòng quà đầy ắp giải thưởng giá trị: ô tô 4 chỗ, xe tay ga đắt tiền, túi xách giày da từ các thương hiệu nổi tiếng, rồi sofa, nội thất sang trọng kèm luôn một loạt thiết bị điện tử, mỹ phẩm xa xỉ đợi sẵn thí sinh lao vào lấy.
Bà Lê Hạnh, giám đốc TVplus chia sẻ, ngay từ lần đầu xem Vừng Ơi đã lập tức bị thu hút bởi sự sôi động kịch tính đầy bất ngờ của game show này. Đội chơi cần một người uyên bác trả lời câu hỏi, người còn lại nhanh nhẹn đi lấy quà. Điều này rất có ý nghĩa bởi bạn phải cân nhắc nên lấy thứ gì và từ bỏ thứ gì. Đây cũng là game show mới, được giới truyền thông đánh giá là game show "đánh" vào lòng tham của người chơi nhiều nhất hiện nay.
"Hô vống" chi phí
Để thu hút dư luận, đã có không ít nhà sản xuất hô vống, làm tròn con số đầu tư phim trường, dựng sân khấu sao cho y hệt phiên bản gốc lên đến cả tỷ đồng để dân tình choáng ngợp.
Trong một game show, khi đơn vị tổ chức không ngừng "ra rả" phải bỏ ra 700 triệu để làm sân khấu thì ở hàng ghế khách mời, một "tay bầu" game show S thẳng thừng: "toàn hàng xài lại của game show trước đó”. Anh này phân tích, nền làm bằng kiếng tầm 30 triệu, đã thế còn dùng lại. Đèn led lung linh, toả sáng khắp sân khấu 150-200 m2 chỉ ngót nghét vài chục triệu. Ghế ngồi da, hay hậu trường lót đá cẩm thạch để giữ được độ phản chiếu lộng lẫy đều có thể thuê được từ công ty chuyên cung cấp phụ kiện gameshow. Thế nên, việc dàn dựng sân khấu ngót nghét vài trăm triệu hay lên tới tỷ đồng, thật ra chỉ là chiêu trò của chính nhà sản xuất để thu hút đối tác, các thương hiệu và lấn át các game show khác.
Game show truyền hình, vì thế đang có rất nhiều điều tiếng và đã không còn hút người xem như vài năm trước. Đây cũng chính là rào cản, để những nhà sản xuất đúng nghĩa tạo cơ hội tốt ghi điểm, thông qua việc lựa chọn sản xuất những game show truyền hình phù hợp văn hoá Việt. Và quan trọng hơn, là gây dựng lòng tin với khán giả bằng sự đa dạng, phong phú từ chương trình đến nội dung, cùng giá trị giải thưởng công bằng cho các đội chơi.