Sự thật đằng sau việc cổ vũ ăn nấm độc

(PLVN) - Thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để tung những tin giật gân nhằm câu like, câu view, tạo sự chú ý để kinh doanh. Thậm chí mới đây một tài khoản facebook có tên N.B còn ăn thử nấm lạ được cho là nấm độc với mục đích quảng cáo cho loại tương Tamari.

Bất chấp nguy hiểm để bán hàng?

Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ tài khản facebook này vốn bán hàng online và một trong những sản phẩm người này kinh doanh đó là loại tương Tamari- một loại gia vị có nguồn gốc từ Nhật Bản. Được biết, Tamari là sản phẩm phụ của quá trình làm tương Miso – một loại tương làm từ đậu nành lên men và muối, có thể có thêm gạo nếp hay bột mì nhưng đậu nành vẫn là thành phần chính yếu.

Quá trình làm tương đậu nành cho sản phẩm phần cái là miso, phần nước chắt ra chính là Tamari. Tamari có thể dùng để xào nấu, nêm nếm cho món ăn, cũng có thể dùng như nước chấm thông thường cho các loại rau củ quả hấp, luộc, cơm cuộn rong biển.

Theo nhiều người sử dụng, Tamari nếu kết hợp đúng cách với một số loại thực phẩm khác sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, do chứa rất nhiều đạm và hàm lượng muối cao nên nếu lạm dụng Tamari trong tiết trời nắng nóng có thể gây sốc. 

Thế nhưng để quảng cáo sản phẩm, chủ tài khoản facebook nói trên đã thần thánh hóa một loại nước tương đơn thuần thành “gia vị vạn năng” hay “Tamari thần thánh”. Trên một bài viết về công dụng của loại tương này facebook N.B khẳng định: “Gia vị vạn năng này không chỉ làm nước chấm mà còn là thuốc kháng sinh rất tuyệt...

Bị ong đốt, muỗi đốt, côn trùng cắn, chích gây sưng, ngứa bôi tamari vào là hết. Bị mưng mủ, chín mé ngón tay ngón chân lấy bông thấm tamari dịt vào chỗ sưng, viêm tấy là xẹp. Bị đứt tay đứt chân nghi nhiễm vi trùng uốn ván cũng lấy bông tẩm tương dịt vào là chả việc gì phải sợ uốn ván…”

Gây sốc hơn, Facebook N.B đã chia sẻ về việc ăn nấm dại (nghi nấm độc) làm dẫn chứng. Nếu ngộ độc sẽ dùng tương Tamari và hai lòng đỏ trứng gà nhà nuôi để giải độc mà không cần phải tới bệnh viện.

Theo chia sẻ của facebook N.B, khi nấu những cọng nấm hình trắng chuyển thành màu thẫm và chị đã lấy tương Miso ăn cùng với nấm này.  Không những ăn một mình, người phụ nữ này cho cả người giúp việc ăn cùng và sau vài ngày thử nghiệm ăn nấm dại thì người này khẳng định mình vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.

Tuyệt đối không ăn nấm hoang

Những năm gần đây, ngành Y tế có nhiều hoạt động tuyên truyền phòng chống về ngộ độc nấm và các cách nhận biết nấm độc. Còn người phụ nữ bán hàng online trên lại thử ăn nấm độc với mục đích câu like, câu view, chị ta cho rằng cơ thể tự thải độc bằng cách ăn thêm tương Tamari và trứng, điều này thực sự phi khoa học.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành hồi sức chống độc, bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc ăn nấm không biết chính xác nguồn gốc vô cùng nguy hiểm. Theo bác sĩ Hùng, hình ảnh nấm đăng tải trên Facebook N.B có thể là nấm trắng hình nón, thuộc loài nấm độc Amanita verna.

Dùng mọi cách để câu like, câu view
Dùng mọi cách để câu like, câu view 

Loại nấm này có mùi thơm dịu, mọc trên mặt đất và khi nấu lên sẽ chuyển sang màu tím thẫm. Nấm này có chất độc amanitin – loại độc tính cao có thể gây hoại tử tế bào gan, thậm chí tử vong khi chỉ ăn một cây nấm chứ chưa nói đến ăn cả bát như người phụ nữ kể trên. “Dù ăn 1 cái nấm thôi cũng có thể gây chết người”, BS Hùng nói. 

Còn theo PGS.TS Phạm Duệ- nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, có người ăn phải nấm độc xuất hiện triệu chứng ngộ độc trong vòng 3 tiếng sau ăn, có người ngộ độc muộn thì trong vòng 6 tiếng, có những người sau khi ăn xong đến 10 ngày thậm chí 2 tuần sau mới xuất hiện ngộ độc.

Vì thế, PGS  Duệ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn nấm hoang, nấm mọc dại trong vườn nhà hay nấm mọc trong rừng.  Bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc, ngay cả chuyên gia về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành.

Theo các chuyên gia chống độc, có thể mới đầu ăn cây nấm mọc hoang trong vườn hay trong rừng bạn thấy cơ thể hoàn toàn bình thường không bị sao thì đó là may mắn ăn phải nấm lành. Nhưng nếu lần sau tiếp tục ăn nấm mọc hoang thì nguy cơ “dính” nấm độc là không thể loại trừ, bởi nấm mọc hoang thì thường là nấm độc nhiều hơn là nấm lành.

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, người bị ngộ độc nấm có nguy cơ tử vong tới 50%. Nấm tán trắng là loại nấm có độc tính cao, người ăn vào nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan, viêm thận cấp, suy đa phủ tạng. Khi ăn vào, chất độc sẽ ngấm vào gan khiến men gan tăng cao và tế bào gan bị phá hủy, dẫn tới viêm gan, viêm thận cấp. 

Các bác sĩ cho biết, khi ăn phải nấm độc, trước tiên cần gây nôn (bằng biện pháp cơ học). Sau đó, cho bệnh nhân uống than hoạt tính liều 1gam/kg cân nặng người bệnh. Cần cho bệnh nhân uống đủ nước, tốt nhất là uống oresol, đồng thời nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý tuyệt đối không sơ cứu, giải độc nấm bằng nước tương Tamari hoặc lòng đỏ trứng gà. 

Đọc thêm