Sự thật tin đồn về bia Huda và tiếng nói cơ quan chức năng

Liên quan đến những tin đồn thất thiệt đối với Công ty Bia Huế xảy ra tại tỉnh Quảng Trị đã đề cập ở bài viết trước, PV có cuộc trao đổi với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị và tìm hiểu tại Cty Bia Huế...

[links()]Liên quan đến những tin đồn thất thiệt đối với Công ty Bia Huế xảy ra tại tỉnh Quảng Trị đã đề cập ở bài viết trước, PV có cuộc trao đổi với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị và tìm hiểu tại Cty Bia Huế...

Men làm nên Bia Huda có tên Saccharomyces Carlsbergensis, được nhập khẩu từ Thủ đô Copenhaghen của Đan Mạch
Men làm nên Bia Huda có tên Saccharomyces Carlsbergensis, được nhập khẩu từ Thủ đô Copenhaghen của Đan Mạch

Thị trường là sân chơi lành mạnh

Cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế nhằm giành lấy những vị thế tạo nên lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ hay các lợi ích về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi cho mình. Nhưng nếu cạnh tranh bằng cách tung tin đồn, bôi nhọ, gièm pha đối thủ sẽ gây ra hậu quả về mặt tinh thần đối với người tiêu dùng vì đã lợi dùng lòng tin của họ, biến họ thành một con rối trước sự lựa chọn sản phẩm.

Với việc phao tin đồn Bia Huế bán cho Trung Quốc thực chất là đánh vào tâm lý người tiêu dùng đang có thái độ e ngại với nhiều sản phẩm, hàng hóa của Trung Quốc là sự cạnh tranh không lành mạnh, cần phải lên án mạnh mẽ. Sự lợi dụng lòng tin này còn là đòn “giết người không dao” làm rối loạn thị trường mà pháp luật nghiêm cấm.

Một xã hội có những công dân hiểu biết, luôn cảnh giác, bình tĩnh suy xét thì chắc chắn những tin đồn sẽ không có đất sống. Tin đồn cũng sẽ không thể lan truyền nếu các cơ quan chức năng kịp thời thẩm định và có ý kiến bác bỏ chính thức.

Ý kiến các cơ quan chức năng

Quay trở lại với tin đồn các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ 2 xe chở men Trung Quốc của Bia Huda. Nhằm làm sáng tỏ sự việc này để dư luận không còn hoài nghi và hiểu rỏ hơn bản chất của vụ việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Công Dung, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.

Thiếu tướng Dung khẳng định: “Trong thời gian vừa qua Công an Quảng Trị không bắt giữ xe chở men Trung Quốc nào của Cty Bia Huế, đó là tin đồn không có căn cứ. Chúng tôi sẽ xác minh để trấn an dư luận khi có văn bản chính thức từ Cty Bia Huế.

Theo tôi, đây là những thông tin nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào tung tin đồn  làm nguy hại đến an ninh kinh tế, chúng tôi sẽ  xử lý nghiêm minh theo pháp luật để răn đe”.

Thiếu tướng Dung cũng khuyến cáo người dân có quyền lựa chọn sản phẩm mình tin dùng chứ không thể “nghe đồn” rồi truyền tai nhau những thông tin mơ hồ, không có căn cứ. 

Cùng với nhận định này, ông Hồ Sỹ Trị, Chánh văn phòng Cục Hải Quan tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong thời gian qua Hải Quan Quảng Trị không phát hiện và bắt giữ xe chở men nào có xuất xứ từ Trung Quốc cho Bia Huế. Đây là sự  xuyên tạc, gây dư luận không tốt. Nếu doanh nghiệp nào đó muốn độc chiếm  thị trường thì cần phải khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng chứ lấy danh nghĩa cơ quan này đơn vị khác để  phao tin bịa đặt đánh lừa khách hàng thì sớm hay muộn cũng bị phơi bày” .

Địa bàn huyện Gio Linh cũng là nơi được kẻ xấu tung tin đồn phát tán. Ngồi ở quán nhậu hay bàn ăn ở đâu người dân cũng truyền tai nhau những thông tin Bia Huế bán cho Trung Quốc và nhập men từ nước này bị bắt giữ. Sự lan truyền thông tin từ “đồn miệng” có thể nói lan nhanh với tốc độ chóng mặt.

Thiệt hại về mặt tinh thần đối với người dân khó mà thống kê hết được vì nó gây tâm lý bất an khi đứng trước sự lựa chọn sản phẩm. Về phía doanh nghiệp, chắc chắn con số thiệt hại sẽ không hề nhỏ, kèm theo đó là hàng trăm đại lý và điểm bán bia, hàng ngàn người lao động làm việc cho doanh nghiệp và hệ thống phân phối bị giảm sút thu nhập và có nguy cơ mất việc làm.

Trao đổi với chúng tôi về việc dư luận trên địa bàn xôn xao tin đồn trên, Thượng tá Lê Phương Nam, Trưởng Công an huyện Gio Linh cho biết: “Mấy hôm nay điện thoại của tôi liên tục đổ chuông, nhấc máy lên là có người hỏi: “Công huyện vừa bắt xe chở men Trung Quốc của Bia Huế phải không anh?”. Tôi chỉ có việc trả lời là “không”, đấy chỉ là thông tin thất thiệt nhằm triệt hạ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp!”.

Những kẻ tung tin đồn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để phát tán thông tin bịa đặt viện dẫn vào các cơ quan chức năng như Công an, Hải Quan, Quản lý thị trường để khẳng định tin đồn là một cách vu khống trắng trợn, làm mất niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền, làm thiệt hại nghiêm trọng nền kinh tế và làm mất uy tín doanh nghiệp bị gièm pha.

Sự việc này cần phải có sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan Công an địa phương, chính quyền sở tại và của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Nếu không được xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiêm minh của Pháp luật và các vấn đề xã hội khác.

Men Bia Huế được nhập khẩu từ Đan Mạch

Để bạn đọc có thông tin chính xác về quy trình nhập khẩu men để sản xuất bia Huda, chúng tôi đã trực tiếp đến Cty Bia Huế để tìm hiểu và được biết, men để sản xuất bia Huda cũng như các sản phẩm khác của Công ty Bia Huế có tên là Saccharomyces Carlsbergensis, được nhập khẩu từ Thủ đô Copenhaghen của Đan Mạch. Loại men này được thông quan tại Hải Quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và được nhập khẩu qua đường hàng không.

Anh Phạm Tuấn Phong, cán bộ Phòng Cung ứng nguyên vật liệu của Cty Bia Huế cho biết: “Bình quân mỗi tháng Bia Huda Huế nhập men bia từ Copenhaghen (Đan Mạch) một lần, thông qua đường hàng không. Mỗi lần lần nhập chỉ là một bình nhỏ đựng men dung tích chỉ là 250 ml, nặng từ 200 – 300 gram. Men tự sinh sôi trong quá trình lên men, được sử dụng để sản xuất ra hàng triệu lít sản phẩm của công ty Bia Huế, mà chủ lực là bia Huda, nên nếu nói vận chuyển men bằng cả xe tải như tin đồn ở Quảng Trị thì số men đó đủ để sản xuất bia cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho một công ty bia tại Việt Nam”.

Bà Phạm Thị Bích, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Thủy An, Cục Hải Quan Thừa Thiên Huế khẳng định: “Nguyên vật liệu sản xuất bia Huda nói riêng và các sản phẩm của công ty Bia Huế nói chung đều nhập khẩu từ Đan Mạch, được Hải quan kiểm tra chặt chẽ theo quy định và quy trình thông quan hải quan”.

Nhằm cung cấp đến bạn đọc phát ngôn chính thức từ Tập đoàn Carlsberg, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với  ông Tayfun, Giám đốc điều hành Carlsberg tại Việt Nam. Ông Tayfun nói: “Trước hết, tôi xin gửi đến quý khách hàng Quảng Trị lời cảm ơn chân thành nhất. Chính sự tin yêu của quý vị dành cho Cty Bia Huế (Huda) là nguồn động lực quý báu để chúng tôi tiếp tục hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên  trong những ngày gần đây, tại địa bàn Quảng Trị lại rộ lên tin đồn thất thiệt về Cty Bia Huế, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Chúng tôi xin khẳng định một số thông tin như sau: “Hoàn toàn không có chuyện bia Huda Huế đã bị bán cho Trung Quốc. Cty Bia Huế là thành viên của tập đoàn Carlsberg Đan Mạch.

Tất cả cán bộ, công nhân viên của Công ty Bia Huế 100% là người Việt Nam, làm việc rất chuyên nghiệp trong nhiều năm qua và được tập đoàn Carlsberg rất tin tưởng. Không có chuyện Cty Bia Huế sa thải người Việt Nam và tuyển người Trung Quốc vào làm việc.

Cty Bia Huế chỉ sử dụng duy nhất 1 loại men để sản xuất bia, men này có tên đặc chủng là Saccharomyces Carlsbergensis, nhập từ Phòng thí nghiệm Carlsberg (Thủ đô Copenhagen - Đan Mạch). Các nguyên vật liệu khác hoàn toàn nhập từ Châu Âu với xuất xứ rõ ràng”.

Ông Tayfun cũng cho biết thêm, với uy tín của tập đoàn bia Carlsberg hơn 160 năm và của Cty Bia Huế có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 20 năm nay, chúng tôi một lần nữa khẳng định bia Huda mà quý vị đã và đang tin dùng là đảm bảo chất lượng, luôn được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn hiện đại nhất của Châu Âu.

Từ những nhận định trung thực, khách quan trên, người dân chắc chắn sẽ nhận ra những thủ đoạn xấu của những kẻ cố ý gièm pha doanh nghiệp khác để chiếm lấy thị trường.

Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, tin đồn bán Công ty Bia Huế cho đối tác Trung Quốc cũng như các thông tin liên quan là hoàn toàn bịa đặt. Đây chỉ là chiêu trò của đối thủ “giấu mặt”, một trong những thủ đoạn “đen” thường được các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh sử dụng. Để môi trường kinh doanh Việt Nam phát triển lành mạnh, những doanh nghiệp kinh doanh chân chính rất cần được bảo vệ.

Theo ông Phan Đức Quế, Trưởng phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương), bất cứ pháp nhân, cá nhân nào có hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều bị Pháp luật nghiêm trị.

Luật Cạnh tranh đã nêu rõ hình thức xử lý là: Doanh nghiệp có hành vi gián tiếp đưa thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Nếu làm nguy hại đến an ninh kinh tế quốc gia sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quang Tám

Đọc thêm