Vào ngày cuối cùng Mia đến trung tâm, cô bé mang theo những túi kẹo nhỏ để chia đều cho những “người bạn” cùng lớp. Buổi chia tay diễn ra đầy lưu luyến. Cả “lớp” cùng hát những bài tạm biệt Mia. Từng người bạn một ôm chặt cô bé. “Lại đây nào bạn bí ngô nhỏ xinh”, một người nói. “Cháu thật đáng yêu, mọi người sẽ nhớ cháu lắm”.
Nếu chỉ nghe tả, cảnh chia tay này cũng giống như nhiều buổi chia tay của trẻ mẫu giáo lớn trước khi vào lớp 1. Có điều, điểm khác biệt ở đây là những người bạn thân nhất của Mia không phải là những đứa trẻ cùng lứa tuổi với cô bé mà là những cụ bà tóc đã bạc trắng hay những cụ ông đã rụng hết cả răng với nụ cười móm mém hiền từ.
Mô hình độc đáo
Mô hình đang được trung tâm có tên Trung tâm bà mẹ - một cơ sở chăm sóc sức khỏe cho nhiều thế hệ ở thành phố Salzgitter của Đức – áp dụng nói trên được cho là đã tạo ra một cuộc cách mạng nhỏ, có thể dẫn tới những thay đổi đáng kể trong mô hình chăm sóc người già và trẻ nhỏ trên khắp nước Đức cũng như trên toàn thế giới.
Từ năm 1990, Trung tâm bà mẹ đã mở dịch vụ chăm sóc người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, dù ở cùng mặt bằng nhưng trẻ nhỏ và người già lúc bấy giờ được chăm sóc và sinh hoạt ở các phòng khác nhau. Về sau, người đồng sáng lập trung tâm là bà Hildegard Schooss quyết định áp dụng một thử nghiệm độc đáo: ghép các lớp học của trẻ nhỏ và của người già làm một để khám phá các tương tác có thể có của 2 nhóm đối tượng.
“Khi quan sát các nhân viên chăm sóc người già và trẻ nhỏ, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều việc mà 2 nhóm đối tượng này có thể cùng làm với nhau”, bà Shooss lý giải về ý tưởng gộp 2 nhóm tuổi vào cùng một lớp học.
Tuy nhiên, ý tưởng kết hợp chăm sóc người già và trông trẻ lại với nhau của bà Schooss đã vấp phải sự phản đối của các nhân viên của bà. “Họ nói rằng đó là việc không thể vì những người già sẽ không muốn còn trẻ con cũng không thích”, bà Schooss kể lại.
Thêm vào đó, theo quy định của luật pháp Đức, các trung tâm chăm sóc không thể để người già và trẻ nhỏ ở cùng với nhau mà không có những nhân viên điều dưỡng được cấp bằng quản lý. Một số bậc cha mẹ trong khi đó không thích để người già chạm vào con họ. Còn những người già thì phàn nàn về việc bọn trẻ quá nghịch ngợm, quá ồn ào. Nhưng, bà Shooss vẫn quyết định thực hiện thí điểm. Và theo thời gian, những phàn nàn dần ít đi.
Tại Trung tâm bà mẹ, cả người già và trẻ nhỏ đều vẫn có các chương trình sinh hoạt riêng. Ví dụ, người già vẫn có các buổi rèn luyện thể chất và tăng cường trí nhớ còn trẻ nhỏ thì có các buổi học theo chương trình mẫu giáo chung. Song, phần lớn lịch sinh hoạt trong ngày ở đây là các hoạt động tập thể.
Trong các buổi học nhạc và khiêu vũ, những đứa trẻ nhỏ chạy nhảy quanh phòng dường như truyền năng lượng tích cực lên các cụ già, thúc đẩy họ cùng tham gia. Với những cụ gặp vấn đề về vận động, hoạt động này thậm chí có tác động tốt như một bài tập vật lý trị liệu. Còn với những đứa trẻ, các bài học ở trung tâm giúp chúng biết tôn trọng người già, giúp chúng cảm nhận được thêm tình cảm gia đình.
“Nhiều bé không có ông bà. Với nhiều gia đình bận rộn về việc làm ăn, các bé đôi khi còn không được gia đình quan tâm, chuyện trò”, bà Schooss lý giải. Trong một số trường hợp, những người già và trẻ em ở trung tâm trở thành những người bù đắp cho nhau về sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Cả 2 nhóm đối tượng đều được hưởng lợi từ việc cùng sinh hoạt trong một môi trường.
Lấp khoảng cách thế hệ
Không giống như những trung tâm chăm sóc bình thường, Trung tâm Bà mẹ được trang trí một cách ấm cúng. Ở các phòng của trung tâm đều có ánh sáng tự nhiên, mùi bánh thơm ngậy. Những bức tường được làm bằng kính vừa hiện đại, vừa giúp những người già và trẻ nhỏ luôn có thể quan sát được những người khác.
Tại đây đang có một gia đình lớn gồm 25 em bé và 16 người già. Hỗ trợ họ là 16 nhân viên của trung tâm, các nhà nghiên cứu và những người tình nguyện, bao gồm các giáo viên mẫu giáo và các điều dưỡng viên. Việc nấu nướng và dọn dẹp do một nhóm được gọi là “những bà mẹ”.
Một phần chương trình sinh hoạt hàng ngày của những em bé và người già ở đây chính là giúp những “bà mẹ” chuẩn bị bữa trưa. Theo đó, mỗi cụ sẽ ghép cặp với một em bé để làm những công việc đơn giản như gọt khoai, nhặt rau, dọn bàn ăn… Trong bữa ăn, các cụ thường dạy trẻ cắt thức ăn, sử dụng dao dĩa đúng cách… Việc này không chỉ thể hiện sự quan tâm tới trẻ nhỏ mà còn giúp thúc đẩy sự học hỏi giữa các thế hệ.
Khoảng cách giữa các thế hệ ở trung tâm đầy ánh nắng và thoáng mát này gần như bị lấp đầy dù giữa các nhóm đối tượng chăm sóc ở đây là sự chênh lệch về tuổi tác lên đến nhiều thập kỷ. Trong giờ sinh hoạt tập thể, những người già ngồi ngắm những đứa trẻ chạy nhảy quanh phòng, cùng chơi với chúng hoặc kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện cổ. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy mô hình trông giữ trẻ kết hợp chăm sóc người già của Trung tâm bà mẹ mang đến nhiều kết quả tích cực.
“Một số bác sỹ đã giới thiệu các bệnh nhân bị bệnh mất trí nhớ tới chỗ chúng tôi. Đến nay, kết quả theo dõi cho thấy sức khỏe của những người này đều có cải thiện”, bà Schooss cho hay.
Điển hình có thể kể đến Cụ bà Siglinde Marckart, 80 tuổi. Sau cú sốc anh trai qua đời, cụ bà chuyển tới Salzgitter sống một mình. “Ngày ngày quanh quẩn ở nhà tôi chỉ nghĩ về những chuyện trước đây và rất buồn”, bà cục cho biết. Tuy nhiên, khi đến “lớp”, bà đã tìm lại được nụ cười. Bà vui vẻ kể chuyện cho những đứa trẻ hay dạy chúng những trò chơi dân gian mà bà từng được học từ chính mẹ của mình.
“Kể từ khi đến trung tâm, tôi phân tán được suy nghĩ khỏi quá khứ và thấy vui vẻ hơn, đầu óc minh mẫn hơn. Tôi cảm thấy mình như trẻ lại, sự gắn kết với xã hội cũng lớn hơn”, cụ bà đang ở giai đoạn đầu mắc chứng mất trí nhớ nói.
Tại Salzgitter hiện trung bình cứ 4 người thì có một người từ 65 tuổi trở lên. Nhiều người già trong số này sống một mình. Trong khi đó, trẻ con ở thành phố chủ yếu sống trong các gia đình hạt nhân, hiếm khi tiếp xúc với người già. “Đang có khoảng cách giữa các thế hệ trong xã hội và việc kết nối các thế hệ là cần thiết”, bà Schooss nói.
Trên thực tế, việc áp dụng mô hình trông giữ 2 nhóm đối tượng người già và trẻ nhỏ trong cùng một không gian của Trung tâm bà mẹ đang được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ với cuộc sống thể chất và tinh thần của người già mà còn tới sự phát triển của trẻ nhỏ cũng như là hướng đi tiềm năng để giải quyết bài toán thiếu thốn nhân lực trong ngành chăm sóc sức khỏe con người khi quy mô của các gia đình đang có xu hướng giảm đi.
Tại Đức, mô hình chăm sóc đa thế hệ này được xem là hướng đi hợp lý khi vào năm 2020, người già được dự báo sẽ chiếm 1/3 dân số cả nước, đặt thêm những áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn vốn đã quá tải hiện nay. “Tôi và những người bạn đều thích được hưởng tuổi già ở những nơi như vậy”, một cụ bà nói.