Sự trở lại của văn học trinh thám Việt Nam

(PLO) - “Thám tử Kỳ Phát” của Phạm Cao Củng (người khai mở  thể loại tiểu thuyết trinh thám Việt) đã trở lại với bạn đọc thông qua bản liên kết ấn hành giữa Nhà xuất bản Công an nhân dân và nhà sách Phúc Minh. 
Series “Thám tử Kỳ Phát” với 5 truyện tiêu biểu đã là tác phẩm ăn khách nhất một thời.
Series “Thám tử Kỳ Phát” với 5 truyện tiêu biểu đã là tác phẩm ăn khách nhất một thời.

Sự trở lại lần này không chỉ cho thấy nhà văn và bạn đọc trẻ trong buổi giao thời khao khát được thể nghiệm, được đón đọc một thể tiểu thuyết lạ có sự gợi mở về trí tuệ về một thể loại văn học mới mà còn là sự khai mở cho thời kỳ vàng son của trinh thám Việt Nam vốn nhiều thăng trầm.

Người khai mở cho dòng trinh thám Việt

Phạm Cao Củng bắt đầu sự nghiệp viết truyện trinh thám của mình với tác phẩm “Vết tay trên trần” vào năm 1936, khi đang còn học trường Kỹ nghệ thực hành. Đây là cuốn truyện trinh thám mở đầu cho series “Thám tử Kỳ Phát” vang danh một thời và cũng làm nên danh hiệu “Vua trinh thám Việt” của ông.

Có người đánh giá rằng tiểu thuyết trinh thám Việt Nam thời ấy là tiểu thuyết “ba xu”, chỉ mang mục đích giải trí. Ở phía ngược lại thì các ý kiến cho rằng đây chính mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của trinh thám Việt, khai mở ra một dòng văn học mới, từ lâu đã được độc giả trên thế giới đón nhận và khẳng định.

Trước khi Phạm Cao Củng xuất hiện, tiểu thuyết trinh thám cũng đã bắt đầu manh nha được hình thành ở Việt Nam. Nhưng để tạo thành chuỗi tác phẩm với các nhân vật thám tử được định hình thì có lẽ chỉ có Thanh Đình - Lê Văn Giới (với Lệ Hằng, Người nhạn trắng); Thế Lữ (với Lê Phong) và Phạm Cao Củng (với Kỳ Phát, Tám Huỳnh Kỳ). Và khi chàng thám tử Kỳ Phát “ngật ngưỡng” bước ra thì ý thức về một tác phẩm văn học trinh thám mang đậm chất Việt mới thực sự được hoàn chỉnh.

Tiểu thuyết trinh thám ra đời trong lòng xã hội thị dân phương Tây, vì thế để “chuyển giao” sang Việt Nam sao cho phù hợp với trình độ, tri thức và cuộc sống của người dân thời đó là cả một hành trình dài.

Tác giả Phạm Cao Củng trong hồi ký của mình đã chia sẻ “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội thực ít thấy xảy ra những vụ trộm hay những vụ án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật… Chính vì thế mà tôi luôn chỉ ao ước viết được những cuốn truyện trinh thám mà việc rất có thể được xảy ra trong xã hội Việt Nam mà vai chính… cần phải có được những tính cách thật hoàn toàn Việt Nam”.

Nếu chỉ chạy theo thị hiếu của người đọc, chạy theo những truyện mô phỏng phương Tây thì có lẽ truyện trinh thám của Phạm Cao Củng sẽ không được độc giả đón nhận đến vậy. Nhà văn đã khéo léo lồng ghép những yếu tố bản địa vào trong các câu chuyện phá án của Kỳ Phát, khiến nó trở nên gần gũi với người đọc chứ không phải là một câu chuyện ở thành phố A, đất nước B được “bê” về Việt Nam. 

Nhân vật thám tử mang đậm nét Việt

Nét độc đáo của truyện trinh thám Phạm Cao Củng nói riêng và trinh thám Việt nửa đầu thế kỷ nói chung, là thể hiện văn hóa truyền thống nước nhà, lồng ghép vào các câu chuyện vụ án. Các tình tiết, bối cảnh, đều khá gần gũi với đời sống hàng ngày thời bấy giờ, các suy luận trong truyện không quá sâu xa.

Như trong truyện “Vết tay trên trần”, “câu chuyện phá án” diễn ra ở vùng Xứ Thanh xa xôi với vụ án giết người li kì. Một viên quan chết ở trong phòng kín với lưỡi dao đâm vào tim, những không hề có dấu hiệu cửa bị cạy mở. Vụ án trong phòng kín là tình huống án mạng rất phổ biến ở phương Tây, nạn nhân tử vong trong căn phòng kín.

Khi viết vụ án này, Phạm Cao Củng đã tìm hiểu rất kĩ về cấu trúc nhà ở, cách bài trí đồ đạc của người dân vùng đó như gia đình càng giàu thì treo càng nhiều chiêng hay phong tục làm đám ma ở địa phương… Tất cả những điều đó tạo nên sự quen thuộc đối với người đọc. 

Series “Thám tử Kỳ Phát” với 5 truyện tiêu biểu, được viết trong khoảng 6 năm (1936 - 1942), gồm: “Vết tay trên trần”, “Nhà sư thọt”, “Đám cưới Kỳ Phát”, “Chiếc tất nhuộm bùn”, “Kỳ Phát giết người”. Chuỗi những câu chuyện này kể về chuyến phiêu lưu phá án của anh chàng thám tử Kỳ Phát và đã trở thành một trong những tác phẩm ăn khách nhất một thời. 

Những tập truyện về hành trình phá án của Kỳ Phát hấp dẫn độc giả bởi chính sự thông minh, suy luận tài tình của nhân vật này. Đặt trong bối cảnh xã hội, khi người đọc đang háo hức cái mới, mong chờ những điều chưa biết thì hình tượng thám tử Kỳ Phát với tài suy luận sắc bén như Sherlock Holmes, Maigret, có đầy đủ cả “tình lẫn lý” đã trở thành “một cơn gió lạ” giữa các nhân vật ủy mị của văn học lãng mạn, hay những nhân vật luôn luôn giằng xé giữa cuộc sống đời thường và lý tưởng như văn học phê phán.

Kỳ Phát có thể phá giải những vụ án phức tạp dựa trên những manh mối mà với người khác là quá mơ hồ và không thể nhận biết. Và vì thế, các độc giả cứ háo hức theo dõi từng câu chuyện phá án của Kỳ Phát, xem hôm nay anh chàng sẽ lại phá giải những vụ án hóc búa nào.

Điều tạo nên sự khác biệt của Kỳ Phát với các nhân vật thám tử cùng thời đó chính là dù được “vay mượn” từ phương Tây nhưng nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở Việt Nam như: trọng nghĩa khí, coi khinh tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm và đạo đức. Ngoài việc phá án, Kỳ Phát cũng đôi khi trầm ngâm suy nghĩ về thời cuộc, cũng biết rung động trong tình yêu vì thế Kỳ Phát hiện lên đầy đặn và đậm chất Việt hơn.