Sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005: Chỉ nên là luật khung?

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua, nhưng những hạn chế, bất cập của nó cũng không phải là ít. Vì vậy, BLDS 2005 được xác định cần phải sửa đổi một cách cơ bản, thực chất. Đây là quan điểm của Ban soạn thảo Dự án BLDS (sửa đổi) tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào hôm qua (26/4).

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua, nhưng những hạn chế, bất cập của nó cũng không phải là ít. Vì vậy, BLDS 2005 được xác định cần phải sửa đổi một cách cơ bản, thực chất. Đây là quan điểm của Ban soạn thảo Dự án BLDS (sửa đổi) tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào hôm qua (26/4).

Các thành viên Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chụp ảnh lưu niệm
Các thành viên Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chụp ảnh lưu niệm

Đang làm thay nhiều luật chuyên ngành

Theo Tổ trưởng Tổ biên tập - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ, BLDS sửa đổi sẽ được kết cấu thành 5 phần, bao gồm Phần Những quy định chung, Phần Vật quyền, Phần Trái quyền, Phần Thừa kế, Phần Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây là kết cấu được áp dụng đối với BLDS nhiều nước trên thế giới (Đức, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…), trừ Phần Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Tổ biên tập cũng đã đưa ra một số vấn đề cơ bản của BLDS sửa đổi. Chẳng hạn, trong Phần Những quy định chung sẽ quy định một số nguyên tắc chính như nguyên tắc áp dụng luật trong trường hợp BLDS và luật chuyên ngành cùng điều chỉnh một quan hệ dân sự, nguyên tắc Tòa án không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự không có luật quy định, quy định không cụ thể hoặc không đầy đủ và cũng không có tập quán để áp dụng.

Ngoài ra, phần này cũng dự kiến sẽ bỏ quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Hay Phần Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và chuyển giao công nghệ của BLDS 2005 được đề nghị đưa ra khỏi BLDS sửa đổi…

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ rất băn khoăn trước việc bỏ một số vấn đề như thương mại, SHTT, lao động, hôn nhân – gia đình trong BLDS 2005 bởi nếu không để lại thì liệu có tạo ra khoảng trống pháp lý nào không khi những luật chuyên ngành chưa điều chỉnh hoặc chưa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với BLDS sửa đổi. Bên cạnh đó, ông Thụ cho rằng, cần xem xét thêm sự tương thích, thống nhất giữa lĩnh vực pháp luật dân sự với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam…

Đây cũng là kiến nghị của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Ông Nam phân tích thêm: Khác với một số nước trên thế giới, hộ gia đình của nước ta khá chặt chẽ và nền tảng, hiện tại đất đai, nhà cửa đều cấp cho hộ gia đình, đứng tên cả hai vợ chồng, do vậy nên tính toán thật kỹ nếu bỏ chủ thể sở hữu hộ gia đình.

Còn Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Việt Nam Vũ Thế Vậc đặt vấn đề: BLDS liên quan đến rất nhiều đạo luật khác, vậy sửa đổi cơ bản BLDS thì có cần thiết sửa đổi cơ bản những luật này? Ông Vậc dẫn chứng một khó khăn: Lãi suất là một vấn đề rất nóng bỏng suốt thời gian qua, bao nhiêu lần sửa đều đụng đến khung lãi suất cố định trong BLDS 2005. Nhưng xây dựng Luật NHNN Việt Nam năm 2010 vẫn phải để quy định về lãi suất cơ bản theo đúng quy định của BLDS.

Cùng tán thành việc không để lại một phần riêng về SHTT và chuyển giao công nghệ là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, vì việc quy định cứng trong BLDS sẽ khó mở đường phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nhưng ông Khải cho rằng phải cân nhắc khi bỏ hẳn phần này mà nên đưa một số quy định liên quan vào Phần Trái quyền.

Trưởng Ban soạn thảo – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định: Phải chăng BLDS 2005 hiện đang làm thay nhiệm vụ của luật chuyên ngành, không những thế lại có sự lẫn lộn giữa luật công và luật tư trong BLDS? Từ đó, cần xác định phạm vi điều chỉnh của BLDS sửa đổi. Tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy nước này chỉ ban hành Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và có riêng luật về hợp đồng, Bộ trưởng gợi ý: “Đây có nên là BLDS khung hay không?”.

Dân dã hay khái quát hóa?

Phù hợp với xu thế thời đại, Phần Tài sản và quyền sở hữu của BLDS 2005 được đặt tên là Phần Vật quyền, quy định các loại vật quyền như quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền hưởng dụng, cầm cố, thế chấp, quyền cầm giữ, quyền địa dịch… Tương tự, Phần Nghĩa vụ dân sự và Hợp đồng dân sự chuyển thành Phần Trái quyền, phân rõ hình thức các loại hợp đồng, bổ sung một số loại hợp đồng như hợp đồng hợp tác, hợp đồng ủy thác quản lý tài sản.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phản ánh: “Thuật ngữ vật quyền, trái quyền thì tôi thấy nó hàn lâm lắm, người dân đọc rồi không hiểu. Cứ để vật quyền là tài sản và quyền sở hữu, trái quyền là nghĩa vụ và hợp đồng cho người ta dễ hiểu có hơn không?” .

PGS. Nguyễn Hữu Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật lại đồng tình với thuật ngữ “vật quyền” và “trái quyền” bởi lý do khoa học lẫn thực tiễn của nó. “Cách đây nhiều năm, chúng ta đã dùng những thuật ngữ có mức độ khái quát hóa, trừu tượng hóa rất cao này mà dân trí hồi đó chắc gì đã bằng bây giờ. Nếu cho là người dân không hiểu thì sinh ra các nhà làm luật, các nhà tuyên truyền pháp luật?” – ông Phát nhấn mạnh.

Hoàng Thư

Đọc thêm