Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Người dân và cử tri rất đồng tình, hưởng ứng

(PLVN) - Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, người dân và cử tri rất đồng tình, hưởng ứng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này. Bởi những thay đổi không chỉ nhằm khắc phục những bất cập của thực tiễn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn hướng tới việc phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đại biểu Phạm Văn Hoà.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đánh giá về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này, Đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, chúng ta đã trải qua một số lần sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, Hiến pháp năm 1992 là bản Hiến pháp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn Hiến pháp năm 2013 là bước phát triển tiếp theo của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn”, Đại biểu nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hoà, việc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, giảm biên chế có ý nghĩa rất lớn, vì khi chi ngân sách cho bộ máy giảm đi, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực chi cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển.

Đại biểu lưu ý, thực tế, sau gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, đạt được nhiều thành tích. Song, nhu cầu chi cho an sinh xã hội ngày càng lớn.

Nếu tới đây triển khai thực hiện chính sách miễn lệ phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội toàn dân… sẽ đòi hỏi lượng kinh phí không nhỏ. Chưa kể, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở xã hội…, đặc biệt là chăm lo để người dân có mức sống cao hơn, chất lượng đời sống tốt lên.

“Điều đáng trân trọng là lần sửa đổi này được thực hiện với tinh thần mở - lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, sử dụng công nghệ số, như nền tảng VNeID để bảo đảm tính dân chủ, toàn diện và thực chất trong tình hình mới”, Đại biểu Phạm Văn Hoà.

Qua theo dõi và tiếp nhận trực tiếp ý kiến của cử tri, Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết ông nhận thấy, người dân và cử tri rất đồng tình, hưởng ứng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này.

Bởi, những thay đổi không chỉ nhằm khắc phục những bất cập của thực tiễn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn hướng tới việc phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

“Nhiều cử tri đã chia sẻ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này đã phản ánh đúng đắn nguyện vọng của mình. Cử tri và người dân cũng đang trông chờ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh vì giúp giảm số lượng các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, từ đó tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước”, Đại biểu cho hay.

Hơn nữa, khi quy mô tỉnh được mở rộng, năng lực tổ chức và điều hành của bộ máy chính quyền địa phương cũng được nâng cao. Các quyết sách sẽ được hoạch định trên cơ sở tổng thể và dài hạn hơn, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của vùng liên kết. Các đơn vị hành chính sau sáp nhập có điều kiện tổ chức lại hệ thống hạ tầng, dịch vụ công, tạo ra lợi thế về quy mô, tránh tình trạng chồng chéo trong chỉ đạo và điều phối.

Đọc thêm