Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: Đề nghị giữ quy định phải lấy ý kiến Nhân dân khi lập, giải thể đơn vị hành chính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, khi người dân được tham gia đóng góp, quyết định, bộ máy nhà nước mới sẽ có sự ủng hộ cao, thuận lợi cho việc triển khai tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả điều hành. Do đó, cần kế thừa quy định hiện hành về việc phải lấy ý kiến Nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội (QH) về dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao về quan điểm chỉ đạo, mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các đại biểu cũng nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp 2013 liên quan đến các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định về đơn vị hành chính (ĐVHC), tổ chức chính quyền địa phương như Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 110 theo hướng “việc xác định các loại ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC do QH quy định”.

So sánh với quy định tại Hiến pháp 2013, Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho biết, dự thảo Nghị quyết dự kiến không quy định “phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới ĐVHC, mà sẽ do QH quy định.

Theo Đại biểu, nhìn dưới cả 3 góc độ pháp lý, quản trị nhà nước và xã hội, việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới ĐVHC là rất cần thiết.

Phân tích, Đại biểu Nguyễn Thành Trung chỉ ra rằng, việc sắp xếp, điều chỉnh ĐVHC nhằm bảo đảm các đơn vị có quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả quản lý, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ; đồng thời tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách địa phương.

Trong khi đó, lấy ý kiến Nhân dân giúp các cơ quan quản lý xác định đúng nguyện vọng và nhu cầu thực tế của người dân địa phương, từ đó xây dựng phương án phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, căn cứ pháp lý, lý do quản trị nhà nước cũng như về ý nghĩa xã hội, khi người dân được tham gia đóng góp, quyết định, bộ máy nhà nước mới sẽ có sự ủng hộ cao, thuận lợi cho việc triển khai tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả điều hành.

“Việc tham vấn ý kiến Nhân dân cũng giảm thiểu xung đột, bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong quá trình điều chỉnh địa giới, góp phần củng cố đoàn kết, ủng hộ chính quyền và duy trì ổn định chính trị - xã hội”, Đại biểu nói.

Từ phân tích trên, Đại biểu đề nghị cần kế thừa quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 110 Hiến pháp 2013 về việc phải lấy ý kiến Nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới ĐVHC. Hình thức lấy ý kiến Nhân dân có thể giao QH quy định cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.