Hôm qua (23/11), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên - người phát ngôn của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 - Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Cùng dự buổi họp báo có các Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, Lê Thành Long.
|
Toàn xã hội phải vào cuộc
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) đã thông tin đến báo chí về tình hình tổng kết thi hành Hiến pháp của các Bộ, ngành, địa phương và triển khai nhiệm vụ này của Bộ Tư pháp.
Bà Thoa cho biết: đến nay Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp của 53 địa phương, hơn 20 Bộ, ngành. Sơ bộ bước đầu cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã có đề cương, kế hoạch, tổng kết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bà Thoa cũng thông tin sắp tới sẽ tổ chức hội thảo về tổng kết Hiến pháp tại ba miền Bắc Trung, Nam. Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết Hiến pháp sẽ tham dự.
Nhấn mạnh “sửa đổi Hiến pháp lần này toàn xã hội phải vào cuộc”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định: Tổng kết Hiến pháp là toàn diện nhưng Chính phủ được phân công tổng kết trong phạm vi quản lý của mình. Đây được xác định là một nội dung quan trọng. Qua tổng kết sẽ xem quy định nào phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, được xã hội chấp nhận, quy định nào bất cập sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Thứ trưởng Liên cũng cho biết bên cạnh đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, Chính phủ cũng chủ động trong việc đưa ra các chính kiến, các vấn đề kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Dự báo trước được một số vấn đề bức xúc, Chính phủ chỉ đạo việc tổng kết thành các chuyên đề, để làm rõ hơn diện mạo của Hiến pháp trong đời sống đối với từng lĩnh vực cụ thể.
Ưu tiên những vấn đề bức xúc từ thực tiễn
Tính từ thời điểm khởi động việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 đến nay mới được một thời gian ngắn, song khối lượng công việc phải làm là rất đồ sộ. Theo lộ trình, tháng 4/2012 “ý tưởng ban đầu” về Hiến pháp đã phải hình thành, do đó đòi hỏi các cấp, ngành phải dành thời gian đầu tư cho công việc này một cách nghiêm túc, có chất lượng, tránh hình thức, hời hợt.
Trả lời câu hỏi quá trình sửa đổi Hiến pháp sẽ có rất nhiều vấn đề được tổng kết, đề xuất, Ban Soạn thảo sẽ căn cứ vào đâu để tiếp nhận đề xuất này, không tiếp nhận đề xuất khác, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định từ đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà lập pháp sẽ xem xét và tiếp thu những vấn đề ở tầm Hiến pháp. Tuy nhiên, những kiến nghị còn lại cũng là một kênh thông tin quan trọng, một cơ hội tốt cho các nhà lập pháp, các cơ quan quản lý lắng nghe phản biện từ xã hội, phục vụ cho việc xây dựng pháp luật.
Sửa đổi Hiến pháp lần này đang được cả dư luận xã hội, các tầng lớp nhân dân quan tâm, Thứ trưởng Liên cũng khẳng định bất cứ người dân nào cũng có thể góp ý, đề xuất các nội dung sửa đổi Hiến pháp. Và việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo là quy trình bắt buộc, còn thời điểm nào do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp quyết định. “Các cơ quan thông tấn báo chí cũng phải vào cuộc, mở các chuyên trang, chuyên mục để người dân có thể đóng góp ý kiến của mình vào quá trình sửa đổi Hiến pháp”, Thứ trưởng nói.
Riêng vấn đề phạm vi sửa đổi Hiến pháp, do đang trong quá trình tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương nên theo Thứ trưởng Liên, phạm vi sửa đổi Hiến pháp tới đâu còn phải chờ kết quả tổng kết, tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định: “Hiến pháp là đạo luật gốc, việc sửa đổi phải bảo đảm tính liên tục và kế thừa, ưu tiên những vấn đề bức xúc từ thực tiễn cuộc sống”.
Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 gồm 16 thành viên, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Phó trưởng Ban thường trực, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó trưởng Ban chỉ đạo và các thành viên là lãnh đạo các bộ ngành. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Tổ trưởng Tổ giúp việc là người phát ngôn của Ban Chỉ đạo. |
Thu Hằng