Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã báo cáo về tiến độ và các nội dung chính của dự thảo Luật Ban hành VBQPPL. Theo đó, trên cơ sở 03 chính sách và ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Vụ đã xây dựng Dự thảo 1, gồm 17 chương, 180 điều.
Một số nội dung, vấn đề của dự thảo Luật cần cho ý kiến như: Quy định về phạm vi điều chỉnh; quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham những, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; hệ thống văn bản, thẩm quyền hình thức, nội dung; chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; đổi mới quy trình; trách nhiệm của cơ quan trình để khắc phục quy trình làm luật cắt khúc, dẫn đến một số bất cập, trách nhiệm không rạch ròi; quy định về đánh giá tác động chính sách…
|
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo về tiến độ và các nội dung chính của dự thảo Luật Ban hành VBQPPL. |
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết dự kiến trình dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 01- 02/2025. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng đã đề ra, Vụ đã dự thảo sửa đổi Kế hoạch xây dựng Luật, trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị, tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện, các khung, mốc thời gian hoàn thành công việc.
Góp ý tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường kiểm soát kiểm lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật là vấn đề lớn, dự thảo Luật cần bám sát chủ trương này. Đồng thời lưu ý về một số vấn đề như: vai trò của cấp ủy đối với việc cho ý kiến tham mưu, xây dựng ban hành VBQPPL, trách nhiệm cấp ủy trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền có ý kiến văn bản này có nội dung chưa phù hợp, cần xử lý khách quan; việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản theo quy trình 2 bước…
|
Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy. |
Cũng theo ông Huy, khi đưa ra một số nội dung mới tại dự thảo Luật, cần đánh giá kỹ tác động của các quy định này với các luật khác; những nội dung mang tính nguyên tắc thì vẫn cần kiên quyết quy định, tránh tình trạng Bộ, ngành, địa phương làm qua loa, hình thức, nhất là việc xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn. Khi xác định phương án Luật chi tiết, cụ thể và Luật “khung”, cần tính đến hệ quả số lượng Luật “khung” tăng thì số lượng văn bản cần ban hành của Chính phủ và các Bộ là rất lớn.
Dễ hiểu, dễ áp dụng, phản ứng chính sách tốt
Còn Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên đề cập tới vấn đề tăng cường truyền thông dự thảo chính sách trong kế hoạch triển khai Luật để tạo tính đồng thuận trong dư luận, xã hội đồng thời nên định hướng nguyên tắc thi hành pháp luật trong dự thảo Luật.
|
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên. |
Về đề xuất gộp hai hình thức văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Lê Thị Thiều Hoa, cần cân nhắc kỹ vì tính chất của hai hình thức này là khác nhau; đồng thời hạn chế việc đưa ra quá nhiều loại VBQPPL. Bà Hoa cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế về thẩm quyền quyết định Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết.
|
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Lê Thị Thiều Hoa. |
Liên quan tới công tác kiểm tra VBQPPL, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong cho rằng dự thảo Luật có nhiều nội dung mới với phạm vi mở rộng, kéo theo một số định nghĩa tại dự thảo Luật chưa phù hợp, đồng nhất. Ông Phong cho rằng dự thảo Luật cần tách bạch giữa công tác kiểm tra, tự kiểm tra VBQPPL của các Bộ, ngành. Ngoài ra, nếu quy định theo hướng Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền khi có chỉ đạo, thông tin, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật sẽ giảm tải trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác này nhưng phần nào lại khiến việc kiểm tra không được thực hiện kịp thời.
|
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong. |
Về rà soát VBQPPL, dự thảo Luật hiện mới chỉ quy định căn cứ vào văn bản và điều kiện thực tế phát triển kinh tế xã hội của địa phương, như vậy là chưa đầy đủ. Do đó, ông Phong đề nghị bổ sung thêm căn cứ là các văn bản chỉ đạo, đề án để bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế.
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, thành viên Tổ biên tập cho ý kiến cụ thể, theo sát kế hoạch để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng Luật. Thứ trưởng yêu cầu quan điểm tiếp cận với Luật này phải nhất quán, bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Như vậy mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng Luật Ban hành VBQPPL dể hiểu, dễ áp dụng, phản ứng chính sách tốt, tránh tình trạng hệ thống pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng và kế thừa các quy định còn hiệu quả.
|
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp. |
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thuộc Bộ với các nội dung cụ thể như: theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát VBQPPL; phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương; rà soát các Điều ước quốc tế; nguồn lực đảm bảo về tài chính; điều khoản áp dụng, trình tự giải thích pháp luật và trình tự hướng dẫn áp dụng pháp luật; thu hút tài năng, nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ đào tạo bồi dưỡng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…