Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

(PLVN) - Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ sở pháp lý quan trọng thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước về BHTG. Sau một thập kỷ kể từ khi áp dụng, Luật BHTG cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với chính sách BHTG và các văn bản pháp luật liên quan cũng như tiệm cận hơn với chuẩn mực quốc tế.

Một số bất cập, vướng mắc sau 10 năm thực thi Luật BHTG

Luật BHTG là một công cụ pháp lý hữu hiệu để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) thực thi chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và là điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển, cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, trong quá trình thực thi pháp luật về BHTG, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Theo Luật BHTG và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG không quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, tồn tại khó khăn trong việc xác định một số loại tiền gửi là tiền gửi được bảo hiểm hay không như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước…

Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm: Luật BHTG quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng bảo vệ người gửi tiền tốt hơn ảnh 1

Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 có thay đổi về thời điểm chấm dứt kiểm soát đặc biệt, về thời điểm NHNN có văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản… Điều này đòi hỏi cần nghiên cứu thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại Luật BHTG đảm bảo tính kịp thời, tránh gây áp lực lên hệ thống TCTD.

Đồng thời, trên thực tế có hiện tượng chia, tách, chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm để chuyển một khoản tiền gửi trên hạn mức của một người thành nhiều khoản tiền gửi của nhiều người để được nhận tiền bảo hiểm nhiều hơn. Trong quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG chưa quy định về việc tổ chức BHTG từ chối trả tiền bảo hiểm trong trường hợp phát hiện có hành vi trục lợi BHTG. Để hạn chế việc trục lợi BHTG, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cần có quy định cụ thể về khái niệm trục lợi BHTG và quyền, nghĩa vụ tổ chức BHTG trong trường hợp này.

Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, trong đó quy định thêm chức năng, nhiệm vụ cho BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém. Các chức năng, nhiệm vụ mới này cần được hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHTG. Các nhiệm vụ có thể kể đến như cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, tham gia Ban kiểm soát đặc biệt...

Sửa đổi Luật BHTG theo hướng bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình BHTGVN triển khai nhiệm vụ và tạo điều kiện để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật BHTG như về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, về việc tổ chức tham gia BHTG thực hiện tính phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG; về việc vay NHNN trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; về cơ chế tài chính của tổ chức BHTG...

Thứ hai, Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung để thống nhất đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Quyết định số 986/QĐ-TT ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND để BHTGVN có cơ sở triển khai nhiệm vụ như về việc bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG trong việc cho vay đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật Các TCTD và hướng dẫn của NHNN, về miễn nộp phí BHTG...

Thứ ba, Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung để nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền như bổ sung quy định mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; bổ sung quy định về việc tổ chức BHTG được mua, bán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu ngân hàng thương mại đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN.../.

Đọc thêm