Cần thiết mở rộng quyền cho công chứng
Sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, Dự thảo Luật Công chứng giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu.
Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ “cùng với việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự, công chứng viên có quyền chứng nhận bản dịch giấy tờ từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại.
Về quy định tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng viên, theo ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) là rất cần thiết.
Tổ chức này giống như tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư cũng được quy định trong Luật Luật sư. Thực tế Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần cùng Bộ Tư pháp trong quản lý hoạt động luật sư.
ĐB Tùng đề nghị cần rà soát kỹ xem nên giao nhiệm vụ gì cho tổ chức xã hội nghề nghiệp này. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến ĐB băn khoăn cho rằng vấn đề này nên để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về hội.
Quy định này nhằm nâng cao chất lượng bản dịch giấy tờ, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu chứng nhận bản dịch. Qua đó, Nhà nước cũng quản lý tốt hơn thị trường dịch vụ dịch thuật hiện nay”.
Đại biểu (ĐB) Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đều đồng tình “Luật sửa đổi cần mở rộng phạm vi công chứng, đáp ứng yêu cầu của dân”.
Các ĐB này cũng đề nghị nên để công chứng viên công chứng cả chữ ký khi người dân có yêu cầu (đây là việc mà hiện nay cấp xã đang làm nhưng không đủ tin cậy). Ngoài ra, ĐB Lê Trọng Sang (TP.Hồ Chí Minh) còn đề nghị giao cả chứng thực bản sao cho công chứng.
ĐB Phạm Văn Gòn (TP.Hồ Chí Minh) cũng tán thành cao với quy định này. ĐB nói: “Giao lại bản dịch cho công chứng là phù hợp. Vì tính xác thực của bản dịch đòi hỏi ngày càng cao”.
Tuy nhiên, ĐB này gợi ý “có thể giao cho cả công chứng viên và UBND quận, huyện cùng làm để cho người dân quyền lựa chọn. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng bản dịch cần rà soát tiêu chuẩn người dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ dịch thuật”.
ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đề xuất thêm: “Dự thảo cần bổ sung các hành vi bị cấm và trách nhiệm pháp lý của người dịch nếu dịch sai. Nếu không quy định thì dịch sai dẫn đến tạo kẽ hở trong thực thi pháp luật”.
Tuy nhiên, cũng có ĐBQH băn khoăn việc giao bản dịch cho công chứng sẽ khó khăn cho người dân ở những nơi chưa phát triển tổ chức hành nghề công chứng.
Chất lượng công chứng phụ thuộc vào công chứng viên
Dù đạt nhiều kết quả, song theo Chính phủ “chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng còn nhiều hạn chế…”, do vậy Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã sửa đổi theo hướng nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) tán thành quy định tập sự 12 tháng (áp dụng cho cả người được miễn đào tạo nghề công chứng) vì theo ĐB đây thực chất là học nghề vì công chứng là nghề đặc biệt, đối mặt nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, theo ĐB Xuyền nên bổ sung các chức danh miễn đào tạo như người đã từng là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp… do đây là nguồn rất có chất lượng.
Cũng nhìn nhận công chứng viên là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng hoạt động công chứng, nên theo ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), việc đào tạo nghề công chứng chuyên sâu là cần thiết.
ĐB Thảo đề nghị quy định về tập sự hành nghề cần cụ thể rõ ràng hơn. Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cũng đề nghị “nên quy định chặt về tiêu chuẩn bổ nhiệm”.
Liên quan đến vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm công chứng viên một số ý kiến cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ để đảm bảo tránh hình thức, lãng phí.