Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 được thông qua với Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 782.700 tỷ đồng (bảy trăm tám mươi hai ngàn, bảy trăm tỷ đồng); Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng (một triệu, không trăm linh sáu ngàn, bảy trăm tỷ đồng); Mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng (hai trăm hai mươi bốn ngàn tỷ đồng), tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô;
Theo Nghị quyết, bội chi ngân sách chủ yếu được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn.
Thực hiện Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước, trong năm 2014, tiếp tục thực hiện miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật.