Truyền thông Chính sách

Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự: Sẽ quy định về trình tự, thủ tục thi hành án đặc thù?

(PLVN) - Thực tế công tác Thi hành án dân sự (THADS) cho thấy, Luật THADS hiện hành cơ bản chỉ quy định một trình tự thủ tục thi hành cho tất cả các loại bản án, quyết định là chưa phù hợp, do đó sửa đổi Luật nhiều ý kiến cho rằng cần quy định bổ sung các trường hợp thi hành án đặc thù.
Chấp hành viên thực hiện thủ tục THADS trên địa bàn TP.HCM, ảnh MH Cẩm Tú
Chấp hành viên thực hiện thủ tục THADS trên địa bàn TP.HCM, ảnh MH Cẩm Tú

Chưa có quy định riêng về việc thi hành án có yếu tố nước ngoài

Theo Bộ Tư pháp, Luật THADS hiện hành cơ bản chỉ quy định một trình tự thủ tục thi hành cho tất cả các loại bản án, quyết định (chỉ có Chương V quy định về thi hành án trong một số trường hợp cụ thể, trong đó có thi hành khoản tịch thu sung quỹ nhà nước, tiêu hủy tài sản, hoàn trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án quyết định hình sự, nhưng các quy định này chưa đầy đủ, việc quy định thi hành hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định hình sự giống như việc thi hành bản án, quyết định dân sự là không phù hợp với bản chất của loại quyết định này). Cụ thể: Các biện pháp tư pháp, hình phạt tiền trong bản án, quyết định hình sự thuộc trách nhiệm thi hành của cơ quan THADS có những đặc thù nhưng chưa có trình tự, thủ tục riêng; Bộ luật Hình sự 2015 và Luật Thi hành án hình sự 2019 có quy định về hình phạt tiền và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại, nhưng luật cũng chưa bao quát hết; chưa có quy định về thi hành phần dân sự trong bản án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính; chưa có quy định về trình tự, thủ tục riêng đối với thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành.

Việc quy định Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại (theo Luật Trọng tài thương mại) được thi hành theo trình tự, thủ tục chung, giống như bản án, quyết định khác của Tòa án, dẫn đến việc tổ chức thi hành án chưa đạt hiệu quả cao.

Cũng theo Bộ Tư pháp, Luật THADS hiện hành chưa có quy định riêng về việc thi hành án có yếu tố nước ngoài (hiện nay, việc tổ chức thi hành đối với loại việc này mới chỉ có quy định tại Điều 181 Luật THADS do đó, dẫn đến nhưng vướng mắc, bất cập như: Thời gian tống đạt các văn bản về THADS kéo dài (thời gian tống đạt đối với 01 văn bản thông thường là mất 06 tháng, có những trường hợp đặc biệt thì mất tới 01 năm); chưa xác định rõ “khái niệm” THADS có yếu tố nước ngoài; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan THADS trong hoạt động tương trợ tư pháp; trong việc thi hành nghĩa vụ gắn với nhân thân, tiền, tài sản trong khi đó người phải thi hành án đang ở nước ngoài không có tài sản ở Việt Nam; xác minh địa chỉ, nơi cư trú của đương sự ở nước ngoài (cơ quan THADS không có thẩm quyền yêu cầu phía nước ngoài cung cấp thông tin về địa chỉ của đương sự ở nước ngoài)...).

Xác định chưa đầy đủ phạm vi các bản án, quyết định được thi hành như thiếu quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành tại Toà án; Còn thiếu một số quy định về các nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động THADS như: Bảo đảm hiệu lực của quyết định về THADS; Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự; Tuân thủ pháp luật trong THADS; Giao dịch điện tử trong THADS; ...

Góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả thi hành án

Do đó, Bộ Tư pháp cho biết, sửa đổi và bổ sung quy định mới trong Luật THADS theo hướng: Bổ sung phạm vi các bản án, quyết định được thi hành cho phù hợp, đảm bảo tương thích với các quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, xác định đúng tính chất, nội dung của các loại bản án, quyết định được thi hành, trên cơ sở đó quy định chung về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án nhưng vẫn có các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án đặc thù đối với các loại bản án, quyết định có tính chất khác nhau.

Tiếp tục hoàn thiện các trình tự, thủ tục thi hành án đang được quy định trong Luật THADS: Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án; thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (làm rõ thủ tục THADS trong trường họp quyết định giám đốc thẩm bị sửa cho phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự); thi hành quyết định về phá sản; Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.

Đồng thời, bổ sung các trường hợp thi hành án đặc thù: Thi hành một số nội dung trong bản án, quyết định hình sự: các khoản thu cho ngân sách nhà nước; xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, hoàn trả tiền, tài sản; phần trách nhiệm dân sự trong bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế; thi hành án đối với pháp nhân thương mại; Thi hành phần dân sự trong bản án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính; Thi hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý cạnh tranh; Thi hành án có yếu tố nước ngoài; bổ sung quy định thi hành án đối với loại tài sản cụ thể để phù hợp với Bộ luật dân sự như: Tài sản sở hữu trí tuệ, tài sản hình thành trong tương lai ,tiền số, quyền bề mặt, quyền hưởng dụng…Bên cạnh đó, còn quy định về các nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động THADS.

Việc quy định cụ thể hơn về phạm vi điều chỉnh của Luật THADS và điều chỉnh các quy định cho cụ thể đối với từng loại bản án, quyết định phải thi hành cho phù hợp, khả thi sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, hạn chế của hệ thống pháp luật THADS hiện hành; góp phần đảm bảo pháp luật THADS được rõ ràng, minh bạch hơn; đồng thời góp phần giảm chi phí cho Nhà nước và người dân; tăng hiệu quả thi hành án, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, trong đó phần lớn là những lợi ích về kinh tế.

Đọc thêm