Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Quy định đánh thuế phù hợp với thuốc lá, nước giải khát có đường

(PLVN) -  Chiều 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và nước giải khát có đường được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường chiều ngày 27/11/2024. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp

Góp ý về thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và biểu thuế TTĐB..., Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường. ĐB lấy dẫn chứng, theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, những năm gần đây, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta đã giảm mặc dù chưa cần phải áp dụng thuế... ĐB nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, không phải quốc gia nào áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường như Nhật Bản hay Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre).

Giải trình ý kiến của các ĐBQH về thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.

Về thuế TTĐB đối với thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế TTĐB 75%...

Cần có quy định bắt buộc về trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp

Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Nội dung về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH.

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo Luật quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng BHTN, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ... ĐB cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình.

Trong trường hợp này, ĐB đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. “Từ đó cho thấy rằng việc đóng BHTN không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động”, ĐB Trân nhấn mạnh.

Theo ĐB, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ BHTN, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền BHTN đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng BHTN cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý BHTN; đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp.

Cho rằng Cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét lại đối với quy định về đóng BHTN, ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc quy định yêu cầu người lao động phải bỏ ra trước một khoản tiền để đóng đủ số tiền người sử dụng lao động chưa đóng mới được hưởng BHTN là không hợp lý. ĐB đề nghị cần trích từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc Quỹ BHTN, để người lao động được hưởng chế độ sớm nhất và bảo hiểm xã hội cần có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng...

Cùng ngày, QH đã biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đọc thêm