Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%, TP HCM 77%...). Trong khi đó, việc chọn luồng giáo dục nghề nghiệp chỉ là giải pháp của rất ít học sinh.
Mô hình 9+ được hiểu là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Tại Việt Nam, 9+ được hiểu theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo thông lệ quốc tế.
Đó là, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian sáu tháng đến một năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 đến 18.
Lựa chọn thứ hai là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp và có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học... Hiện nay, mô hình 9+ đã được triển khai tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng THPT tại Việt Nam.
Mô hình này nếu được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam thì cần thay đổi một số quy định trong Luật Giáo dục, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên cao đẳng qua chương trình đào tạo được phê duyệt (bảo đảm kiến thức văn hóa và chuyên môn); và bằng tốt nghiệp cao đẳng được liên thông lên trình độ cao hơn. Do đó, việc đề xuất cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn (còn gọi mô hình 9+) vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được xem là giải pháp tạo đột phá cho đào tạo nghề thời gian tới.
Ngày 14/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 là 40%. Để thực hiện chỉ tiêu phân luồng sau trung học theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/3/2019 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH với nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh năm 2019.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề phân luồng hướng nghiệp, chọn ngành nghề của nhiều bạn trẻ hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân cho rằng, thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây.
Học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này. Quá trình học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nếu các em được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm nhiều người lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.