“Định vị” rõ hơn trách nhiệm của cơ quan liên quan
Để làm giảm án tồn đọng thì một phương án quan trọng được tính đến là quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Tòa án trong công tác THADS, về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện Kiểm sát (VKS) các cấp trong công tác kiểm sát THADS. Theo đó, dự kiến quy định cụ thể cơ chế để bảo đảm bản án, quyết định được ban hành ra phải có tính khả thi.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không chính xác, rõ ràng, cụ thể và không phù hợp với thực tế, cơ quan thi hành án đã yêu cầu giải thích, hết thời hạn nhất định mà không được trả lời thì cơ quan THADS sẽ trả lại bản án, quyết định. Ngoài ra, sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trong trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành xong, nhưng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm làm thay đổi các nội dung đã quyết định trước đó cũng như trách nhiệm của Tòa án trong việc theo dõi kết quả thi hành án.
Về phía VKS các cấp, dự kiến tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của VKS các cấp theo hướng đối với các quyết định cưỡng chế, kê biên của Chấp hành viên phải được VKS các cấp ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản của Chấp hành viên, đồng thời VKS các cấp khi thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật đối với hoạt động THADS, nhất là hoạt động kê biên, cưỡng chế tài sản của đương sự, cũng phải chịu trách nhiệm của mình trong việc kiểm sát THADS.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành và Cục trưởng Cục THADS TP.Hà Nội Lê Quang Tiến đồng tình với hướng sửa đổi này vì như vậy sẽ tạo cơ chế an toàn, hạn chế rủi ro cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, trong đó có liên quan đến kê biên, cưỡng chế tài sản của đương sự.
Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tán thành với việc bổ sung những quy định nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác THADS. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu đồng thời làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của người phải thi hành án, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước và đề nghị cân nhắc liệu có cần quyết định phê chuẩn của VKS nữa không khi mà Tòa án đã ra bản án, quyết định.
Miễn, giảm với khoản thu ngân sách nhà nước
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật sửa đổi cũng tính đến bỏ quy định về điều kiện “đã thi hành được một phần” tại Điều 61 Luật THADS năm 2008 đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Việc quy định miễn, giảm thi hành án đối với khoản thu nộp NSNN là hoàn toàn cần thiết đã được quy định tại Bộ luật Hình sự và Luật THADS hiện hành, góp phần làm giảm án tồn đọng. Việc THADS tồn đọng do không có kết quả dẫn đến “nhờn” luật, nếu không kịp thời giải quyết sẽ gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc xét miễn, giảm đối với một số khoản thu này cũng là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo còn cho biết, theo Nghị quyết số 33/2009/QH12 của Quốc hội về việc thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự thì kể từ ngày Luật này được công bố (29/6/2009), những người đã bị kết án về hành vi phạm tội trước đây nhưng nay hành vi phạm tội đó không bị coi là tội phạm thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt (nếu chưa chấp hành) hoặc miễn chấp hành hình phạt còn lại. Nhưng phần án phí và quyết định dân sự khác liên quan đến khoản thu cho NSNN phần bồi thường dân sự nêu trên trong bản án hình sự không được đề cập trong Nghị quyết 33 nên không có cơ sở để giải quyết.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người phải thi hành án nộp NSNN nhưng do họ quá nghèo, không có tài sản để thi hành một phần nghĩa vụ thi hành án nhưng không được xét miễn, giảm khoản thu nộp NSNN. Cơ quan THADS phải theo dõi, xác minh làm tốn kém thời gian, công sức và kinh phí cho hoạt động này, dẫn đến án dân sự tồn đọng nhiều. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ nguyên điều kiện “đã thi hành một phần” để đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự và tính nghiêm minh của pháp luật.