Sửa luật để người dân “đòi” bồi thường thuận lợi hơn

(PLO) - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009 mặc dù mới triển khai thực hiện được 4 năm nhưng do chính sách pháp luật có liên hệ mật thiết với Luật này đã có nhiều thay đổi, điển hình là Quốc hội đã ban hành Luật Tố tụng Hành chính năm 2010, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2011, quan trọng hơn là thực tiễn thi hành Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, do vậy, tham dự Hội thảo do Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Jica tổ chức ngày 17/12, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp hơn với cuộc sống.
Sửa luật để người dân “đòi” bồi thường thuận lợi hơn
Còn “cò kè” với người bị thiệt hại
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, hiện Luật chưa bao quát được các thiệt hại thực tế phát sinh do hành vi của người thi hành công vụ gây ra.
Ông dẫn chứng hàng loạt trường hợp thiệt hại đã rõ nhưng trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đó lại không rõ ràng: vụ Dương Chí Dũng tiêu hàng chục triệu đô la Mỹ mua ụ nổi; vụ thủy điện xả lũ cũng có thiệt hại thì cần bồi thường cho dân như thế nào, trách nhiệm của doanh nghiệp, của chính quyền địa phương ra sao; rồi vụ Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan 10 năm, thiệt hại vật chất có thể tính toán được, nhưng thiệt hại tinh thần sẽ tính sao cho đủ. “Tôi có cảm tưởng dường như các cơ quan nhà nước vẫn đang cò kè mức tiền bồi thường với người dân” – ông Cương nêu quan điểm.
Bởi thế, ông Cương đánh giá cao việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN của Bộ Tư pháp bởi qua 3 năm thi hành, có một thực tế là số tiền bồi thường thấp hơn nhiều so với thiệt hại đã xảy ra. Trong bối cảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc, mức độ thiệt hại ngày một lớn, ông Cương mong muốn Bộ Tư pháp tích cực xúc tiến việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để kịp thời đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.
Thủ tục làm khó người dân
Sau 4 năm thi hành Luật cho thấy, quy định tại Khoản 1, Điều 6 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường (TNBT) là “phải có các căn cứ, đó là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công cụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi TNBT theo quy định” thì người bị thiệt hại mới được quyền yêu cầu bồi thường. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhận định: Quy định này là một hạn chế lớn của Luật TNBTCNN, đồng thời cũng là rào cản cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường. 
Ông Tỵ phân tích: Theo quy định trên, cá nhân, tổ chức thấy mình bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra nên phải có đơn yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận.
Chỉ khi nào người có thẩm quyền có văn bản giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì mới có đủ điều kiện để làm các thủ tục yêu cầu bồi thường theo trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại được áp dụng theo Luật Khiếu nại, tố cáo (nay là Luật Khiếu nại). 
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của cá nhân, tổ chức khi yêu cầu bồi thường là phải qua giai đoạn thủ tục giải quyết khiếu nại để có được kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Nếu một vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ trái pháp luật gây ra phải qua tất cả các thủ tục giải quyết khiếu nại và tố tụng thì thời gian theo quy định của Luật đã mất 15 tháng mới có bản án của Tòa quyết định mức bồi thường, chưa kể thời gian chuyển hồ sơ. 
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi theo hướng cá nhân, tổ chức thấy mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, không qua thủ tục xem xét giải quyết khiếu nại.
Quá trình xét xử, Tòa án sẽ xem xét tính đúng đắn của quyết định hành chính, hành vi hành chính, trường hợp có vi phạm pháp luật gây thiệt hại thì Tòa án quyết định cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường, trường hợp không có thiệt hại thì bác yêu cầu bồi thường.

Đọc thêm