Thương lượng bồi thường cần bình đẳng với quy định dễ hiểu
Trên thực tế, người dân bị thiệt hại vẫn cảm nhận mình như là bên yếu thế và tâm lý này cũng xuất hiện và tồn tại ở một số cán bộ, công chức nhà nước khi tiến hành thương lượng bồi thường. Bởi vậy, ngoài việc quy định về những nguyên tắc, trách nhiệm của Nhà nước, cách thức xác định mức bồi thường như trong dự thảo thì thủ tục giải quyết cũng cần phải hết sức đơn giản và thuận lợi như quy định của dự thảo.
Tuy nhiên, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận xét, một số quy định vẫn còn có thể sẽ làm cho người được bồi thường gặp khó khăn. Ví dụ việc họ phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ và thiệt hại thực tế xảy ra (quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 41). Do vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại để các quy định thật đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện cho người dân khi được bồi thường trong quá trình thương lượng bồi thường.
Trước việc dự thảo đặt ra nguyên tắc là Nhà nước chỉ bồi thường khi người bị oan có yêu cầu, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cơ bản đồng tình với cách đặt vấn đề của dự thảo là có những khoản thiệt hại phải có yêu cầu của người bị oan Nhà nước mới giải quyết bồi thường như vấn đề chi phí khám chữa bệnh, hay thu nhập thực tế bị giảm sút... Nhưng ĐB nhận thấy việc quy định như dự thảo là mọi khoản thiệt hại phải có yêu cầu của người bị oan Nhà nước mới bồi thường (như được liệt kê tại Điều 27) là không phù hợp vì có những thiệt hại liên quan đến bị giam oan, tù oan và thậm chí tử hình oan.
Nếu đặt vấn đề phải có yêu cầu mới bồi thường, không có yêu cầu không bồi thường là chưa thể hiện được sự thực tâm và thực lòng mong muốn bù đắp cho người bị oan. Do đó, ĐB Thủy xin đề nghị đối với những thiệt hại quy định tại Điều 27 của dự thảo thì cần quy định đây là những khoản mà đương nhiên Nhà nước sẽ bồi thường cho người bị oan mà không cần họ có yêu cầu.
Làm oan là phải xin lỗi!
Từ quan điểm này, ĐBQH nhận thấy cách đặt vấn đề như dự thảo là chưa phù hợp khi xin lỗi công khai người bị oan là một khâu nằm trong quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường và nếu như người bị oan có yêu cầu bồi thường thì thủ tục xin lỗi công khai mới được diễn ra, nếu như người bị oan không yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai sẽ không diễn ra.
Phân tích sâu vào các Điều 4, 41, 56 của dự luật về việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, gốc của vấn đề ở đây là cơ quan của Nhà nước đã làm oan cho người vô tội, việc người bị oan có yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại về vật chất hay không, đó là một việc khác, nhưng việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan là trách nhiệm mà Nhà nước phải làm mà không phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu. ĐB nhấn mạnh, “nếu đặt vấn đề là phải có yêu cầu bồi thường mới tổ chức xin lỗi, không có yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai không diễn ra là không đúng với đạo lý của vấn đề”.
Do đó, ĐB đề nghị cần quy định rõ trong luật này là mọi trường hợp làm oan cơ quan tố tụng có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan mà không phụ thuộc vào việc họ có yêu cầu hay không yêu cầu. Đồng thời, cần quy định rõ về trình tự thủ tục xin lỗi ngay trong dự thảo vì “một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xin lỗi có tính hình thức như trong thời gian vừa qua là do luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này, dẫn tới có những trường hợp thời gian giam oan là 4 năm, nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ là 5 phút đã khiến cho người bị oan bật khóc ngay sau khi chủ tọa tuyên bố kết thúc buổi lễ”.
Dự án luật quy định, trước khi khởi kiện ra tòa án phải qua thương lượng hòa giải, nếu không xong mới được kiện ra tòa án. Song theo ĐBQH, người bị oan nói chung, người bị thiệt hại trong lĩnh vực khác nói riêng, rất cần được giải quyết bồi thường nhanh để ổn định cuộc sống. Do vậy, ĐB Hoàng Văn Liên (Long An) đề nghị không nên hạn chế mà nên giao cho họ quyền lựa chọn, yêu cầu cơ quan gây thiệt hại bồi thường ngay hoặc kiện thẳng ra tòa án để phù hợp với nguyên tắc giải quyết việc bồi thường và bảo đảm sự linh hoạt trong giải quyết bồi thường.
Cộng đồng trách nhiệm khi bồi thường oan, sai
Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án, chống oan sai thì theo quy định của pháp luật quá trình giải quyết một vụ án hình sự phải trải qua nhiều giai đoạn với sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau. Tòa án sẽ không thể xét xử nếu chưa có cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát cũng như Viện Kiểm sát chưa thể truy tố nếu chưa có kết quả điều tra của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, dự thảo lại đang xử lý vấn đề này theo hướng trong trường hợp xảy ra oan thì không phải tất cả cơ quan có liên quan đến quá trình làm giao ban đó phải chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết bồi thường mà dự thảo xác định chỉ có cơ quan làm oan cuối cùng trong quy trình đó có trách nhiệm giải quyết bồi thường và xin lỗi người bị oan.
Theo quan điểm của một số ĐBQH, tất cả cơ quan nào đã góp phần vào quá trình làm oan người vô tội đều chịu trách nhiệm với những sai sót của mình, đều chịu trách nhiệm về bồi thường. “Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án hướng tới một nền tư pháp không có oan sai và cần xác định là một trong những mục tiêu hướng đến luật này. Vì sẽ có những điều chúng ta không thể bồi thường cho người dân, đó chính khi niềm tin của người dân và công lý bị mất mát” – ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu quan điểm.
Dự thảo Luật quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, cơ quan nào giải quyết cuối cùng làm oan người vô tội phải bồi thường, nhưng thực tế nhiều trường hợp việc làm oan người vô tội là lỗi hỗn hợp của các cơ quan thi hành tố tụng. Nhiều trường hợp các cơ quan sau khi ra các quy định tố tụng phụ thuộc rất nhiều vào tài liệu chứng cứ do cơ quan tố tụng trước đó điều tra thu thập. Vì thế, ĐBQH đề nghị cần quy định trường hợp các cơ quan thi hành tố tụng làm oan người vô tội phải cộng đồng trách nhiệm xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho người dân. Trong đó, cơ quan làm oan cuối cùng chủ trì mới đảm bảo tính cầu thị, thực sự xin lỗi nhân dân vì việc làm sai trái của mình.
Tán thành quan điểm phải cộng đồng trách nhiệm khi bồi thường oan, sai trong tố tụng hình sự, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng đối với cơ quan cấp trên của cơ quan giải quyết bồi thường, để tăng tính trách nhiệm trong bảo đảm quyền con người và tính kịp thời trong khắc phục hậu quả đã gây ra thì ngoài trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bồi thường, cần bổ sung trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm và không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định bồi thường cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại. Trong trường hợp thiếu trách nhiệm không chỉ đạo cơ quan cấp dưới bồi thường, cơ quan cấp trên còn phải chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường thay cho người bị thiệt hại bằng việc sử dụng ngân sách chi thường xuyên để khắc phục ngay hậu quả đã gây ra và tổ chức xin lỗi công khai cho đối tượng.
ĐB cũng lưu ý, không đáng ngại nếu bên thực hiện bồi thường là tòa án vì theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp có thẩm quyền độc lập với nhau, thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật không chịu lệ thuộc lẫn nhau. Đồng thời, mặc dù không chịu sự lệ thuộc nhau, nhưng theo quy định hiện hành việc quản lý ngân sách vẫn theo hệ thống, do đó vẫn có thể yêu cầu Tòa án cấp ngân sách để thực hiện việc bồi thường. Tương tự như vậy đối với Viện kiểm sát.