Sửa luật TTHS: Đừng vì chiều chuộng nhân văn

(PLO) - Câu chuyện sửa đổi Luật Tố tụng Hình sự (TTHS) đã được các ĐBQH thảo luận khá sôi nổi trong phiên họp tổ chiều nay (27/5). Điều mấu chốt của mục đích sửa luật theo các đại biểu vẫn là để tội phạm không được lộng hành. 
Sửa luật TTHS: Đừng vì  chiều chuộng nhân văn
Phát biểu trong phiên thảo luận chiều nay, ĐB Đỗ Văn Đương nói: “Khi xây dựng dự thảo sửa đổi Luật, cần phải biết điều kiện kinh tế, trình độ dân trí và khả năng tố tụng của nước ta đang ở độ nào, nếu đi những vấn đề lạc quan quá sớm thì nguy hiểm. “
Theo ông, Luật TTHS 2003 tương đối ổn định, bản dự thảo sửa đổi hiện nay đưa nhiều điểm mới phù hợp với Hiến pháp, quyền công dân, nhưng nhiều điểm cần cân nhắc.
“Sinh ra cơ quan Tư pháp là để đấu tranh chống tội phạm.  Đặt tâm trạng người bị hại ra đường sợ cướp mới hiểu được tâm trạng họ. Dự thảo Luật TTHS đưa ra nhiều điều luật mới tưởng tiến bộ nhưng nguy hiểm.” – ông nói. 
Là người làm công tác ngành Kiểm sát, ĐB Đỗ Văn Đương phát biểu: Trong đấu tranh tội phạm bao giờ cũng dung hòa giữa quyền hạn cơ quan Tư pháp  và quyền người phạm tội. Chúng ta thường có tư tưởng thà để lọt người phạm tội còn hơn làm oan. Một  người bị oan đau khổ, gia đình họ còn đau khổ hơn. “Vì số ít đó đưa ra quy định chiều chuồng nhân văn tội phạm hơn là giữ bình yên nhân dân thì không theo tư tưởng pháp trị”.
Nói về quyền im lặng, ông có quan điểm: Luật nước Mỹ, quyền im lặng khi chưa có người bào chữa anh có quyền im lặng nhưng họ có chế định mặc cả thú tội. “Khăng khăng im lặng là rất sai, tư tưởng này không hiểu về luật pháp quốc tế. Chống lại sự bình yên của xã hội. Mấu chốt là không được oan sai, không được để tội phạm lộng hành.” – ông thẳng thắn đưa quan điểm.
ĐB Lê Đăng Phong tán thành cao độ về việc sửa luật TTHS. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, những gì đang vận hành tốt thì không cần phải sửa nhiều. Những gì cản trở, vi phạm quyền công dân thì sửa. 
Ông cho rằng  câu chuyện oan sai không phải do luật, mà do cơ quan, cán bộ điều tra tại địa phương làm sai nguyên tắc.
“Thực tế có cán bộ nóng lòng, lệnh lạch về suy nghĩ. Do hạn chế của 1 số cán bộ, không có nghĩa phủ nhận toàn bộ  tố tụng hiện hành. Nên nhìn nhận vấn đề khách quan. Nguyên tắc cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh tội phạm là nguyên tắc xuyên suốt.” ông nói. 
Về quyền im lặng, ông có ý kiến: “Đừng tranh luận im lặng hay không im lặng cho phức tạp mà cơ bản chỉ là: Bị can bị cáo không bị ép buộc nhận tội. Trọng chứng hơn trọng cung. Đừng vì 1 số vụ oan sai phủ định sạch trơn tất cả."

Đọc thêm