Phát biểu trong phiên họp tại tổ, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thẳng thắn: "Một chính sách hình sự nhu mì sẽ làm nhiều người ảnh hưởng. Phải cứng rắn như lửa đỏ để cho người phạm tội sờ vào thấy sợ và những người khác không dám lăm le. Đấy mới là luật hình sự”
Theo ĐB Đương, đối với tội phá hủy công trình an ninh quốc gia, không nên bỏ hình phạt tử hình. Ông lý giải: “Như đường dây 500 KV nếu bị phá hủy là toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng. Nếu cố ý gây ra việc này phả xử ngay”.
Đồng tình quan điểm, ĐB Nguyễn Đức Chung không tán thành đề nghị giảm hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng: "Người nghèo đi buôn ma tuý bị tử hình. Người có học hành, am hiểu pháp luật lại tham nhũng mà thoát án tử hình thì có điều gì đó không công bằng." - ông nói.
ĐB Chung cũng lo ngại nếu giảm tử hình, sẽ có hiện tượng người phạm tội tham nhũng mức độ nghiêm trọng rồi cũng chỉ đi tù vài năm là về sau mấy lần giảm án.
Không chỉ đối với tội tham nhũng, phá hủy công trình an ninh quốc gia, các đại biểu còn có ý kiến không nên giảm hình phạt tử hình ở tội về ma túy. ĐB Lê Đông Phong (phó GĐ CA TP Hồ Chí Minh) ý kiến: “ Đối với tội vận chuyển ma túy, người nghèo vận chuyển thuê thì nên xem xét còn kẻ chủ mưu có tổ chức gắn với mua bán thì vẫn giữ tử hình.”
ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cũng cho rằng nếu bỏ án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển ma túy sẽ hạn chế rất nhiều đến quá trình đấu tranh chống tội phạm ma tuý bởi đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến xã hội.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét lại việc bỏ tử hình đối với tội tội cướp tài sản, sản xuất mua bán hàng giả lương thực thực phẩm, tội chống lại loại người, phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược./.