Quy Nhơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi những hòn đảo hoang sơ, những địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn hấp dẫn bởi những món ăn dân dã đậm đà vị biển. Nếu bạn có dịp ghé thăm vùng đất được gọi là "xứ Nẫu", đừng nên bỏ qua một món ăn quen thuộc, dân dã nhưng nổi tiếng khắp nơi - sứa nước lèo.
Sứa xuất hiện ở nhiều vùng biển Việt Nam, phần ăn được gồm sứa tai và sứa chân. Nếu như sứa tai nhiều nước, có màu trong xanh, mềm mượt thì sứa chân lại khô, ăn giòn, và có màu trắng đục. Để chế biến món sứa nước lèo ngon trứ danh, người dân đất võ thường sử dụng sứa chân bởi ăn giòn sật, khô.
Đậu phộng, xoài xanh, hoa chuối thái sợi và một bát mắm nguyên chất không thể thiếu khi thưởng thứ sứa nước lèo. Ảnh: VNE
Ở Bình Định, sứa xuất hiện nhiều ở đầm Thị Nại và có quanh năm. Người dân nơi đây chế biến sứa thành rất nhiều món ngon như bún sứa, nộm sứa hay sứa nước lèo. Để chế biến sứa nước lèo khá cầu kỳ trong việc chuẩn bị. Phần chân sứa phải rửa kỹ cho sạch nhớt rồi ngâm với nước lá ổi trong một ngày để sứa hết mùi tanh, sứa sẽ săn lại. Sứa sau đó được rửa lại cho sạch, vắt cho kiệt nước rồi thái thành miếng vừa ăn.
Khâu chế biến nước lèo cũng khá cầu kỳ, xương heo phải được ninh liu riu trên bếp trong vòng vài tiếng cho tiết hết các chất ngọt, người chế biến cũng liên tục hớt bợt để nước lèo trong. Đầu tôm cũng được ninh với nước cho tiết hết chất ngọt, rồi lọc lấy nước trong, để ra bát riêng.
Tỏi, hành băm nhỏ được phi thơm trên chảo mỡ nóng già, sau đó cho phần thịt tôm đã giã nhỏ vào xào cùng cà chua cho đến khi thành một hỗn hợp sền sệt, dậy mùi thơm của tôm, của hành tỏi và đậm đà gia vị. Phần tôm này và nước ninh đầu tôm được chế vào cùng nồi nước ninh xương, thêm một chút gia vị sẽ có một nồi nước lèo sóng sánh hòa quyện giữa vị của tôm và xương, ngọt và đậm đà vị biển.
Những miếng sứa đã được ngâm nước ổi trong vòng một ngày để bớt tanh, nhớt và có độ săn. Ảnh: I.T
Khi gần ăn, người ta mới thả chút hành tây đã được thái nhỏ, một vài lát gừng và rau húng để nước lèo dậy mùi, có vị thanh thanh, thơm và cay cay của gừng. Thứ nước lèo đó rất hấp dẫn, ngọt đậm hương vị của tôm, cay cay vị gừng và hăng hăng mùi rau húng.
Sứa nước lèo ăn ngon hơn trong những ngày gió mưa gió bởi món ăn phải nóng hổi mới cảm nhận được hết vị thơm ngon, khi nhúng sứa vào nước lèo đang sôi, sứa mới đảm bảo miếng sứa chín mà vẫn giòn sật...
Khi có khách, chủ quan sẽ cho một ít bún vào tô, một vài lát sứa, thêm xoài, hoa chuối, rau thơm, thêm ít lạc rang rồi múc nước lèo đang sôi sục đổ lên trên. Người ăn chỉ việc bưng bát, thưởng thức và xuýt xoa khi cảm nhận được vị thanh, mát của sứa, vị chua của xoài và vị ngậy của đậu phộng hòa quyện.