Sửa quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18/12/2013 quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thanh tra chủ trì giải quyết thay vì kết luận, kiến nghị

Liên quan đến trách nhiệm của Thanh tra Bộ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trước đây tại Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT quy định: Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng xác minh, kết luận nội dung và kiến nghị biện pháp xử lý đối với các KNTC có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều đơn vị chức năng thuộc Bộ hoặc KNTC phức tạp khi được giao.

Tuy nhiên, tại Thông tư 14/2021/TT-BGDĐT mới được sửa đổi, Bộ GD&ĐT quy định trách nhiệm của Thanh tra Bộ này chỉ chủ trì giúp Bộ trưởng giải quyết các vụ việc KNTC có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc chức năng của Bộ.

Về xử lý đơn, nếu như Thông tư cũ quy định: Khi nhận được đơn của công dân gửi đến thì người đứng đầu đơn vị chức năng thuộc Bộ, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm xem xét và xử lý đơn KNTC, đơn có nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo (đơn thư) thuộc thẩm quyền.

Quy định này cũng đã được thay đổi như sau: Đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng thì chuyển Thanh tra để chủ trì thực hiện theo quy định. Còn đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục trưởng, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT thì Cục trưởng, người đứng đầu đơn vị trực thuộc giải quyết theo thẩm quyền.

Quy định rõ hơn về thẩm quyền giải quyết

Điều 9, Điều 12 Thông tư 40/2013/TT-BGDĐT quy định về trách nhiệm tham mưu và giải quyết KNTC của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT cũng có nhiều thay đổi.

Tại quy định cũ chỉ quy định chung chung như người đứng đầu đơn vị chức năng thuộc Bộ có trách nhiệm giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật và tham mưu giúp Bộ trưởng giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Tuy nhiên, tại Thông tư mới được ban hành Bộ GD&ĐT đã quy định rõ hơn về thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ này.

Cụ thể, về trách nhiệm tham mưu và giải quyết khiếu nại của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT được quy định như sau: Trách nhiệm của Vụ trưởng, Chánh Văn phòng tham mưu và giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, có nội dung liên quan đến trách nhiệm thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm cử công chức phối hợp với Thanh tra tham gia tất cả các giai đoạn của quy trình giải quyết khiếu nại và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại;

Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về thời hạn trả lời và ý kiến chuyên môn xác định điều kiện thụ lý đơn khiếu nại; về nội dung quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khi có văn bản lấy ý kiến của Thanh tra; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sau khi quyết định giải quyết khiếu nại được ban hành.

Trách nhiệm của Cục trưởng: Thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này và theo quy định về phân cấp quản lý hiện hành.

Trách nhiệm của Chánh Thanh tra: Thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này và theo quy định về phân cấp quản lý hiện hành; chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng; chịu trách nhiệm về việc giải quyết khiếu nại đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khiếu nại; tổng hợp báo cáo kết quả theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại.

Đáng chú ý, đối với trách nhiệm tham mưu, giải quyết tố cáo, Thông tư mới cũng quy định: Trách nhiệm của Vụ trưởng, Chánh Văn phòng tham mưu, giải quyết đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến trách nhiệm thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm cử công chức phối hợp với Thanh tra tham gia tất cả các giai đoạn của quy trình giải quyết tố cáo và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo;

Còn trách nhiệm của Chánh Thanh tra là thụ lý, xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo, xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền; chủ trì xem xét các kết luận nội dung tố cáo mà người đứng đầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đơn vị trực thuộc Bộ đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Bộ trưởng xem xét, giải quyết lại;

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT để tham mưu, đề xuất giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng; chịu trách nhiệm về việc giải quyết tố cáo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về tố cáo; tổng hợp báo cáo kết quả theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2021. Các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng do các Vụ, Cục, Văn phòng đang chủ trì giải quyết trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa hoàn thành thì tiếp tục chủ trì giải quyết theo quy định tại Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT.

Đọc thêm