Sức ép chuyển đổi số khi phát triển đô thị thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Cả nước có 41/63 tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), tuy nhiên mức độ triển khai không giống nhau giữa các địa phương. 
Trung tâm điều hành một ĐTTM
Trung tâm điều hành một ĐTTM

Thông tin tại Hội thảo “Phát triển ĐTTM trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế TƯ cùng một số bộ, ngành phối hợp tổ chức ngày 10/11, TS Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ - cho biết, trong xu thế đô thị hóa và phát triển ĐTTM ngày càng gia tăng, việc phát triển ĐTTM được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn.

“Định hướng phát triển ĐTTM là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Văn kiện Đại hội Đảng XIII về đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn tới cũng đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung và từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và trên thế giới”- ông Phong nhấn mạnh.

Cũng theo Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ, phát triển ĐTTM cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, khi ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh,thành đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

Tuy vậy việc triển khai ĐTTM tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn như: Nhận thức về ĐTTM từ nhu cầu của nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp/chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao; Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ; Sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng ĐTTM còn hạn chế; Việc triển khai ĐTTM còn riêng lẻ, manh mún; các ĐTTM chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị; Nguồn lực cho phát triển ĐTTM bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Chiến lược sản phẩm, Tập đoàn VNPT - cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, ở các địa phương triển khai mô hình ĐTTM, cho phép lãnh đạo địa phương nắm được kịp thời, đầy đủ thông tin từ tình hình dịch bệnh, tiêm vắc- xin, khu cách ly…

Lấy ví dụ Bình Phước, ông Kiên cho biết, trước khi triển khai mô hình ĐTTM, nhiều vấn đề tổn tại, thông tin chậm, không kết nối… Tuy nhiên, sau khi triển khai ĐTTM, tỉnh này đã có những thay đổi mạnh mẽ và đang hướng tới trở thành đô thị thông minh lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Lãnh đạo luôn có trong túi các số liệu quan trọng để kịp thời có những chỉ đạo điều hành. “Ví dụ 8 giờ sáng hàng ngày lãnh đạo tỉnh biết được tình hình thu- chi ngân sách của địa phương mình…”- ông Kiên dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc triển khai ĐTTM ở các địa phương không giống nhau, chính là do khác biệt ở 2 yếu tố, đó là mức độ ứng dụng nền tảng số và độ dày cập nhật số liệu.

“Phát triển mô hình ĐTTM chính là thúc đẩy quả trình chuyển đổi số, tạo sức ép bắt buộc có dữ liệu. Mức độ yêu cầu về dữ liệu (số lượng, thời gian, các lĩnh vực...) của lãnh đạo sẽ tạo sức ép cho cấp dưới phải chuyển động theo...”- ông Kiên nhấn mạnh.

Đọc thêm