Sức mạnh đối ngoại tại cửa ngõ phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vị trí địa lý, chính trị, kinh tế chiến lược “có một không hai” của tỉnh Quảng Ninh không chỉ là tài nguyên vô giá để phát triển kinh tế - xã hội mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng đối với công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Trải qua nhiều thập kỷ, công tác này ngày càng chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng, đạt nhiều thành tựu đáng kể, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần khẳng định vị thế của Quảng Ninh trên thế giới.
Hội nghị kỷ niệm 05 năm thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) ngày 8/6/2022. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Hội nghị kỷ niệm 05 năm thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) ngày 8/6/2022. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Phát huy vị thế cửa ngõ hội nhập

Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho biết: “Quảng Ninh vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và giáp Vịnh Bắc Bộ. Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung, là điểm kết nối khu vực qua hợp tác Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, hợp tác kinh tế liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á”.

Sở hữu vị trí chiến lược quan trọng như vậy, tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát và triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương để tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại tại địa phương, bao gồm cả ngoại giao Đảng, chính quyền và đối ngoại nhân dân.

Theo thống kê của Sở Ngoại vụ, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ đối ngoại với 15 địa phương nước ngoài, có quan hệ kinh tế, thương mại với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và với nhiều tổ chức. Trong đó, có nhiều tỉnh, thành phố thuộc các quốc gia như Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có những nét tương đồng về kinh tế, truyền thống lịch sử, văn hoá, trở thành những quốc gia đối tác chiến lược của tỉnh.

Trong dịp công tác tại tỉnh Quảng Ninh ngày 24/3/2023, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao đã khẳng định Quảng Ninh là “tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, có độ mở hội nhập sâu rộng ở khu vực và quốc tế”. Cũng theo Bộ trưởng, “công tác đối ngoại hiệu quả cùng với chính sách mở cửa và hội nhập đã tạo nên sự bứt phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của miền Bắc, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước”.

Một “điểm sáng” quan trọng trong toàn cảnh bức tranh quan hệ đối ngoại, hữu nghị của tỉnh Quảng Ninh phải kể đến quan hệ với các địa phương của quốc gia láng giềng Trung Quốc, như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Phúc Kiến… Đơn cử, trong giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây đã ký kết 19 thỏa thuận quốc tế hợp tác trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, tỉnh đã thiết lập quan hệ và có thỏa thuận hợp tác với tỉnh Vân Nam, thúc đẩy cơ chế hợp tác trong hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh đón Đoàn Nghị sĩ Nghị viện châu Âu tham quan Vịnh Hạ Long ngày 21/6/2023. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh đón Đoàn Nghị sĩ Nghị viện châu Âu tham quan Vịnh Hạ Long ngày 21/6/2023. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

“Sức mạnh mềm” của đối ngoại

Một dấu ấn đáng chú ý khác chính là mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Quảng Ninh với ba tỉnh Bắc Lào (Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xay Nhạ Bu Ly), đặc biệt thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực và kinh phí xây dựng công trình, phòng, chống dịch. Tính đến nay, Quảng Ninh đã hỗ trợ khoảng 56 tỷ đồng cho 3 tỉnh Bắc Lào xây dựng những công trình phúc lợi công cộng.

Về giáo dục - đào tạo, Quảng Ninh đã tiếp nhận khoảng 522 lượt lưu học sinh từ các tỉnh bạn với tổng kinh phí đào tạo trên 92 tỷ đồng. Trong bối cảnh bùng dịch COVID-19, tỉnh cũng đã nhiều lần trao tặng, giúp đỡ trang thiết bị, vật tư y tế, kinh phí để hỗ trợ các tỉnh bạn phòng, chống dịch. Những hoạt động thiết thực này thực sự đã góp phần củng cố thêm truyền thống gắn bó, “tương thân, tương ái” giữa nhân dân hai nước, phát huy tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Song song kết hợp chặt chẽ với đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân cũng góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị của nhân dân các nước với nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Điểm nhấn quan trọng của hoạt động đối ngoại nhân dân phải kể đến công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới trên đất liền.

Trong nhiều năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã phối hợp với các tổ chức Hội Hữu nghị thành viên, các địa phương có biên giới đất liền giáp biên giới với nước Trung Quốc, tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật quan trọng tới cán bộ, công chức và người dân.

Song hành với công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến pháp luật là các hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biên giới, biển Đông nhằm kích động, lôi kéo, chia rẽ gây mất ổn định tình hình an ninh, chính trị của nước ta. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động các nguồn lực cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị đất nước. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cũng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các địa phương có đường biên giới đất liền với Trung Quốc xây dựng các mô hình kết nghĩa “Bản - Bản”, Đồn - Trạm” nhằm tăng cường tình đoàn kết, cùng nhau chung tay giữ vững đường biên, mốc giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị cùng phát triển.

Xuyên suốt nhiều thập kỷ phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn không ngừng mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, hợp tác mới tại các địa bàn khác nhau. Việc tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại góp phần quảng bá, giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết nhiều hơn đến tỉnh Quảng Ninh - một mảnh đất giàu tiềm năng kinh tế, truyền thống, bản sắc văn hoá, con người cũng giàu tình cảm, hoà đồng. Gần đây, trong chuyến thăm chính thức và làm việc tại Việt Nam của Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các nước ASEAN của Nghị viện châu Âu ngày 21/6 tại Vịnh Hạ Long, Trưởng đoàn - Nghị sĩ Chair Daniel Caspary đã bày tỏ sự trân trọng, niềm vui mừng khi được đến và cảm nhận vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long cùng sự thân thiện, mến khách của con người Quảng Ninh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế là: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”. Quán triệt tinh thần này, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ đối ngoại trong thập kỷ tới là “mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Trong Quy hoạch nêu rõ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển về hợp tác quốc tế, trong đó kể tới: “Chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Nâng cao năng lực hội nhập cho các chủ thể là doanh nghiệp và người dân. Tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, kinh tế - xã hội; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển…”

Đọc thêm