Sức mạnh tự thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đang có lịch trình dày đặc trong chuyến công du ở châu Âu. Tại cuộc gặp Thủ tướng, vào chiều 17/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khẳng định “nỗ lực tự thân” của Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định thành công.
Tổng Giám đốc WHO Tedro Adhanom Ghebreyesus khẳng định nỗ lực tự thân của Việt Nam là nhân tố quyết định thành công của chiến dịch phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: VGP)
Tổng Giám đốc WHO Tedro Adhanom Ghebreyesus khẳng định nỗ lực tự thân của Việt Nam là nhân tố quyết định thành công của chiến dịch phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: VGP)

Xin nhắc lại câu “nỗ lực tự thân” mà Tổng Giám đốc WHO đã trân trọng. Trong thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay, “nỗ lực tự thân” trở thành một giá trị quan trọng. Bài học rút ra từ những biến động địa chính trị quốc tế nóng bỏng những năm qua, càng khẳng định giá trị của sự “tự thân”.

Nội dung xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh thế giới nhiều biến đổi nhanh và khó lường; là một trong những nội dung thể hiện hướng tiếp cận mới của Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế.

Trong thực tiễn chỉ đạo, lãnh đạo, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là 1 trong 3 nội dung cốt lõi của hoàn thiện đồng bộ quy định phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.

Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là lĩnh vực rộng lớn, từ vĩ mô đến vi mô, từ phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước đến giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia.

Để làm được những việc này, chúng ta đang tập trung xây dựng thể chế, tháo gỡ những “điểm nghẽn” để doanh nghiệp Việt Nam (không phân biệt thành phần, nguồn gốc sở hữu) nhanh chóng lớn mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước.

Liên quan vấn đề này, sáng qua (18/1), kỳ họp bất thường của Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 260 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025; trong đó có quy định bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Luật Đất đai là luật lớn, việc thông qua chính là xây dựng quy định phù hợp, tháo gỡ “điểm nghẽn”.

Điều người dân, doanh nghiệp rất mừng ở chỗ, Luật Đất đai (sửa đổi) đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Đồng thời, giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục...

Các doanh nghiệp không kể thành phần sở hữu, cần được tạo mọi điều kiện theo quy định của pháp luật để phát triển, hình thành nên cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tiến bộ. Từ những sức mạnh đó, sẽ tạo thành những sức mạnh tự thân của quốc gia, kết hợp sức mạnh quốc tế, trong kỷ nguyên hội nhập.

Đọc thêm