Sức mạnh văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII diễn ra sáng qua (24/11) tại Hà Nội; thực sự khiến mỗi người Việt Nam cần phải suy ngẫm nhìn lại chính mình, và trăn trở cần chung tay làm gì.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII diễn ra sáng qua (24/11) tại Hà Nội.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII diễn ra sáng qua (24/11) tại Hà Nội.

Tổng Bí thư nêu rõ văn hoá là một phạm trù rất rộng, nhưng nói đến văn hoá là nói đến những gì kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, khẳng định này của Tổng Bí thư được tất cả mọi người “tâm phục khẩu phục”.

Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá. Nhưng Tổng Bí thư đánh giá thực tế triển khai hiện nay, vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ có tác dụng tích cực với việc xây dựng đất nước, con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Còn có tình trạng “nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc, nói nặng ra là “vô văn hoá”, “phản văn hoá”…

Những nhận xét này là cực kỳ chính xác, nếu chúng ta nhớ đến tác hại mặt trái của những clip nhảm nhí, những câu chuyện vô bổ trên mạng xã hội đang “đầu độc” người xem hàng ngày.

Trong nhiều giải pháp Tổng Bí thư đưa ra, đáng chú ý là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật. Và phải phát huy "sức mạnh mềm" văn hoá Việt Nam, phát huy công dụng của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ văn hóa giải trí như các bảo tàng, di tích, di sản văn hoá.

Từ nhiều năm nay, người dân đã rất nhiều lần thú vị, khâm phục, mở mang kiến thức khi Tổng Bí thư trong các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc, đã cho thấy ông là một kho tàng tri thức khi lẩy Kiều, hay ví von vô cùng hợp lý bằng các câu ca dao tục ngữ thú vị, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhớ. Điều đó cho thấy với người Việt nam, các giá trị văn hóa lịch sử là bất biến, trường tồn.

Tổng Bí thư đã một lần nữa khẳng định chân lý này trong bài phát biểu hôm qua: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại (…) Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, Cha ông chúng ta”, và Tổng Bí thư dẫn ra một loạt những câu ca dao tục ngữ để cho thấy "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam sẽ xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục như thế nào.

Đánh giá của Tổng Bí thư nêu rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của văn hóa hiện nay, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hoá chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hoá trong thời kỳ “thế giới phẳng”.

Dư luận tin rằng sẽ có những sự thay đổi lớn. Đội ngũ cán bộ văn hóa và văn nghệ sĩ sẽ được đào tạo bài bản hơn, được đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn để có thêm những cảm hứng cống hiến ra những sản phẩm văn hóa hữu ích. Những rác rưởi trên mạng xã hội và internet sẽ sớm bị quét sạch.

Khi môi trường văn hóa quanh mỗi người không còn những vẩn đục, khi cơ quan quản lý có định hướng chính xác và thực hiện quyết liệt, thì bản thân mỗi người đều phải sẽ xem xét tự điều chỉnh mình, quay về bản ngã chân – thiện – mỹ.

Đọc thêm