Cuộc chạy đua của các thương hiệu Việt
Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cho biết, hiện các nhà bán lẻ trong nước đang có lợi thế tại địa phương, mức tăng trưởng rất nhanh, tạo ra cuộc cạnh tranh hết sức sôi động.
Đánh giá ban đầu cho thấy, các nhà bán lẻ nội địa đang chiếm ưu thế với 151/205 siêu thị, chiếm tỉ trọng gần 75%, đồng thời nắm giữ 26/46 trung tâm thương mại (chiếm 56,5%). Chuỗi các thương hiệu cửa hàng tiện lợi trong nước cũng phát triển rất nhanh với 1.581/2.360 cửa hàng do người Việt làm chủ (chiếm 67%).
Điển hình như Saigon Co.op hiện đã có gần 650 điểm bán chủ yếu đặt ở TP HCM, dưới các thương hiệu Co.opmarrt, Co.opXtra, Coopfood, cheer, Co.op và Coopsmile. Họ trở thành nhà bán lẻ đang dẫn đầu về số điểm bán tại thị trường Việt Nam. Theo kế hoạch, năm 2019, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển thêm hơn 300 điểm bán đưa tổng số điểm bán tại thị trường Việt Nam đến cuối năm 2019 lên khoảng 1.000 điểm bán.
Một tên tuổi đình đám khác của ngành bán lẻ Việt Nam là Vingroup đã tạo nên kỷ lục trong ngành bán lẻ Việt Nam. Trong năm 2018, các trung tâm thương mại của hệ thống này đã đón hơn 160 triệu lượt khách và mục tiêu đưa con số này lên 220 triệu khách trong 2019. Cũng trong năm 2019, hệ thống này dự kiến tiếp tục mở thêm 13 Vincom mới, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79 trên toàn quốc, có mặt tại 42 tỉnh thành với tổng diện tích bán lẻ lên 1,6 triệu m2. Kế hoạch đến năm 2020, Vingroup sẽ đưa ra thị trường 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi.
Là thành viên của Tập đoàn Thế giới Di động, Bách hoá Xanh dù “sinh sau đẻ muộn” vẫn trên đà phát triển với doanh thu cao cùng tốc độ mở rộng nhanh chóng. Tính đến tháng 1/2019, ngoài trong 421 cửa hàng tại TP HCM, Bách hoá Xanh còn có 55 cửa hàng tại 10 tỉnh khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ, dự kiến hệ thống Bách hoá Xanh sẽ đạt 700 cửa hàng vào cuối năm nay…
Tiếp tục nỗ lực giành lại thị phần
Sự phát triển của các nhà bán lẻ nội địa phần nào đã giải tỏa được mối e ngại lâu nay về việc hàng nội thường xuyên bị “lép vế” trước hàng ngoại (hoặc hàng hóa được sản xuất bởi các DN FDI)... Các DN bán lẻ nội đang có nhiều lợi thế, cơ hội để bứt phá, giành lại thị phần ngay trong năm 2019. Ngoài ra, các nhà bán lẻ Việt được nhận định là có lợi thế lớn về tiếp cận và xây dựng các điểm kinh doanh “đắc địa”; hiểu biết luật pháp cũng như văn hóa tiêu dùng và phong tục tập quán địa phương tốt hơn. Đây cũng là đặc điểm chung ở rất nhiều thị trường bán lẻ trên thế giới.
Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Phạm Thành Kiên dự báo, hệ thống bán lẻ nội địa sẽ còn tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Đây được xem là thông tin khá bất ngờ với nhiều người tiêu dùng trong bối cảnh các nhà đầu tư và bán lẻ nước ngoài tăng cường sự hiện diện, nhân rộng điểm bán và kể cả thâu tóm các chuỗi bán hàng hiện hữu trên địa bàn TP trong những năm qua. Việc các nhà bán lẻ nội đang nắm ưu thế về thị phần sẽ là một trong những chỗ dựa rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa của DN Việt Nam.
Theo các chuyên gia bán lẻ, kênh bán hàng hiện đại trên địa bàn TP HCM vẫn tăng trưởng ở hầu hết mô hình kinh doanh, nhưng mô hình cửa hàng tiện lợi vẫn cho thấy đang tăng nhanh và tiếp tục phát triển điểm bán rộng khắp đối với cả chuỗi bán hàng trong và ngoài nước.
Hiện hai mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi giữa thương hiệu trong và ngoài nước có sự khác biệt. Trong khi cửa hàng của DN ngoại chú trọng cách bày biện, trang trí quầy kệ và tập trung phục vụ thức ăn tại chỗ... thì các cửa hàng của DN trong nước tập trung vào những sản phẩm thiết yếu như thịt, rau, củ, quả... bên cạnh một số loại hàng hóa gia dụng thiết yếu như gia vị, chất tẩy rửa, dầu ăn... cho gia đình và bà nội trợ.
Các chuyên gia bán lẻ cho hay, mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi trong nước đã và đang phát huy những lợi thế khi có mạng lưới phân phối khá rộng, đi sâu vào khu dân cư, chủng loại hàng phong phú... nên thu hút được người tiêu dùng. Dù không theo khuôn mẫu nào của thế giới, nhưng kênh bán lẻ này tiếp tục hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhất là về thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Sức hấp dẫn của mô hình này là ở sự tiện lợi mà nó đem lại cho người tiêu dùng khi lượng người mua sắm ở mức vừa phải, khách hàng không mất nhiều thời gian tìm và chọn sản phẩm cũng như mất thời gian xếp hàng chờ ở quầy thanh toán mà vẫn có được những trải nghiệm mua sắm hiện đại và an toàn.
Giới phân tích nhìn nhận, cả hai loại hình cửa hàng tiện lợi nước ngoài và trong nước thông thường chỉ thành công khi có mạng lưới rộng khắp. Do đó, việc nở rộ chuỗi cửa hàng tiện lợi chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.