Suy nghĩ trước khi bật điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Những ngày qua, một số nơi ở miền Bắc thường xuyên bị cắt điện và phần nhiều là không báo trước. Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết, công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500 - 17.900MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000MW và có thể lên tới 23.500 - 24.000MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. Nguy cơ thiếu điện tại hầu hết giờ trong ngày.

Vấn đề cấp bách tới mức Thủ tướng đã ra chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị chỉ ra thực trạng nguồn cung điện hiện nay và những năm tới gặp nhiều thách thức, trong khi nhu cầu điện tăng cao. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng.

Các hộ gia đình được khuyến khích dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng. Người dân nên ưu tiên mua sắm thiết bị điện hiệu suất cao hoặc dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế dùng bóng đèn sợi đốt.

Mỗi hộ gia đình được khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ nhu cầu tại chỗ; dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia.

Cả nước phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia); hết 2025 tất cả đèn đường sử dụng bóng LED.

Các cơ quan, công sở phối hợp Cty điện lực địa phương xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện, mỗi năm giảm 5% tổng điện năng tiêu thụ; ban hành nội quy tiết kiệm điện.

Nói như một lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguy cơ thiếu điện đã được dự báo từ vài năm trước. Thời tiết càng thất thường, nhu cầu sử dụng điện của mọi người ngày càng cao hơn; và còn vấn đề việc phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) vừa qua đã tác động tới nguồn cung, lưới hệ thống điện. Sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở miền Trung là nơi có nhu cầu dùng điện thấp và miền Nam cũng gây mất cân bằng cung - cầu, tạo sức ép lên lưới truyền tải, gây ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm. Đây cũng là lý do nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại miền Bắc vẫn thiếu.

Vấn đề thiếu điện, như vậy không chỉ là chuyện của quốc gia, mà còn là chuyện của mỗi người. Quốc hội và Chính phủ đã nhìn ra cái gốc của vấn đề thiếu điện và bản thân mỗi người dân cũng phải nhìn nhận lại bản thân mình, suy nghĩ trước khi bật điện, đừng vì đòi hỏi đáp ứng nhu cầu quá mức của bản thân mình mà ảnh hưởng đến xã hội, đến quốc gia.

Đọc thêm