Nạn nhân cho hay đó là chuyện mình đồng ý hợp tác với chính quyền Ukraine dàn dựng chuyện này nhằm phá vỡ một “âm mưu thật” ám sát mình. Giới chuyên gia nhận định chính quyền Kiev trong dài hạn sẽ phải trả giá đắt cho hành động thiếu suy nghĩ này.
“Vụ ám sát giả” nhằm ngăn chặn vụ ám sát thật?
Babchenko sinh ngày 18/3/1977 ở Moskva, thủ đô nước Nga. Ông từng tham gia hai cuộc chiến tranh Chechnya. Babchenko không ít lần nói rằng mình căm ghét chiến tranh và không bao giờ muốn cầm vũ khí lên lần nữa. Năm 2017, Babchenko viết: "Tôi từng là một người lính xuất sắc. Nay tôi là một người lính tồi tệ. Tôi muốn sống hơn là chết".
Babchenko có quan điểm phản đối những chính sách Nga áp dụng tại Ukraine và việc Moskva can thiệp quân sự vào tình hình Syria. Ông từng đưa tin về một cuộc đụng độ giữa các binh sĩ chính phủ Ukraine và phe ly khai.
Babchenko từng có thời gian sống tại Czech và Israel sau khi rời Nga hồi năm 2017. Ông bị các đồng nghiệp ở Moskva xa lánh sau hàng loạt bài đăng gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Năm 2016, Babchenko nói ông "không hề cảm thấy thương cảm hay tiếc nuối" cho những nạn nhân trong vụ rơi máy bay chở đoàn văn công Nga ở Biển Đen khiến toàn bộ 92 người trên khoang thiệt mạng.
Tại Kiev, Babchenko làm dẫn chương trình cho kênh Crimean Tatar TV. Vài giờ trước lúc "bị giết", ông đăng một bài viết kể câu chuyện mà Babchenko gọi là "sinh nhật thứ hai" của mình.
Sự việc xảy ra cách đây bốn năm khi Babchenko chuẩn bị lên một trực thăng quân sự Ukraine để bay tới vùng chiến sự Donbas. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, trực thăng quá tải nên Babchenko không được phép lên. Chiếc trực thăng sau đó bị bắn rơi khiến toàn bộ 14 người trên khoang thiệt mạng.
Lý giải chuyện mình đồng ý hợp tác với chính quyền Ukraine dàn dựng vụ ám sát, Babchenko cho hay ông nhận tin báo về kế hoạch sát hại mình, được cho là do Nga tiến hành, cách đây một tháng. Suốt thời gian qua, ông luôn bí mật liên hệ với các nhân viên an ninh Ukraine để lên phương án chống lại âm mưu trên. Theo Babchenko, cơ quan an ninh Ukraine có thể đã dành tới hai tháng để lên kế hoạch bảo vệ ông.
|
Babchenko xuất hiện trong cuộc họp báo hôm 30/5 |
Lãnh đạo cơ quan an ninh Ukraine Grytsak cáo buộc phía Nga đã thuê một công dân Ukraine tìm sát thủ giết Babchenko. Người này đã tiếp cận các đầu mối thân quen, bao gồm cả những cựu binh, và đưa ra “hợp đồng ám sát với giá 30 ngàn USD cho cái đầu của Babchenko”. Tuy nhiên, một trong những người được tiếp cận đã báo tin cho nhà chức trách Ukraine.
Cơ quan an ninh thông báo cho Babchenko và xác định rằng cách duy nhất để lật mặt những kẻ chủ mưu là làm giả cái chết của ông. Babchenko cho hay vợ ông, bà Olga, và những người con, đều biết về kế hoạch giả chết này nhưng tại cuộc họp báo, ông đã công khai xin lỗi vợ. "Anh vô cùng xin lỗi, nhưng không còn cách nào khác", Babchenko nói.
Thở phào và giận dữ
Sau khi sự thật sự việc được công bố, đan xen với cảm xúc thở phào nhẹ nhõm về việc nhà báo này còn sống là sự bất bình, khó hiểu và nhiều câu hỏi được đặt ra.
Bộ Ngoại giao Nga lên án vụ ám sát dàn dựng, gọi đó là "một hành động khiêu khích chống Nga rõ ràng khác". Người phát ngôn Maria Zakharova miêu tả chiến dịch của Ukraine là "một màn kịch" hướng đến "hiệu ứng tuyên truyền". Bà đồng thời thêm rằng Nga rất vui khi nhà báo Babchenko còn sống.
Nhóm Phóng viên Không Biên giới lên án chiến dịch là "màn dàn dựng thảm hại". "Thật đáng tiếc và thảm hại khi cảnh sát Ukraine chơi đùa với sự thật, bất chấp động cơ của họ là gì", người đứng đầu tổ chức Christophe Deloire nói.
Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo đã yêu cầu chính quyền Ukraine giải thích lý do họ cần tới "một biện pháp cực đoan đến như vậy" và miêu tả đây là "tình huống chưa từng có tiền lệ".
|
Babchenko sinh tại Nga, từng tham gia hai cuộc chiến tranh Chechnya, nhưng có quan điểm phản đối một số chính sách của Nga |
Phóng viên điều tra Nga Andrei Soldatov, đồng nghiệp cũ với Babchenko, cho rằng vụ dàn dựng đã "vượt quá giới hạn": "Tôi vui vì ông ấy còn sống, nhưng ông ấy đã làm tổn hại đến uy tín của giới nhà báo cũng như truyền thông".
Nhà báo Simon Ostrovsky, bạn của Babchenko, cho biết ông "thấy nhẹ nhõm và cả tức giận cùng lúc". "Từ chỗ đau khổ và buồn bã ngày hôm qua... tới sự giận dữ rõ ràng hôm nay, chúng tôi đều bị lừa rằng bạn mình đã chết", ông nói.
Quả thật, Arkadi Babtchenko đã phải bỏ trốn khỏi nước Nga, vì lo sợ cho an toàn của bản thân và ông biết rõ kịch bản ám sát nào có thể nhắm vào mình. Thế nhưng phương pháp hành động của cơ quan an ninh Ukraina trong vụ này đã bị báo chí phương Tây chỉ trích là “phản tác dụng”.
Tình hình đất nước Ukraina vẫn tăm tối. Cuộc chiến giữa quân chính phủ và phe đòi ly khai đông Ukraina đã làm thiệt mạng hơn 10 ngàn người, một triệu rưỡi người khác phải sơ tán, kinh tế đất nước lụn bại, tham nhũng lan tràn. Trong khi đó, chưa có một giải pháp chính trị nào được đưa ra.
Kiev mong muốn một nước Ukraina không có cộng đồng người Nga. Trong khi Matxcơva muốn duy trì một hình thức gây áp lực nào đó đối với nước láng giềng này. Do vậy, cả hai bên đều tìm cách tuyên truyền và cuộc chiến tuyên truyền gia tăng nhịp độ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, vụ việc này không những không giúp cải thiện được quan hệ Nga – Ukraina mà còn để lại tác động xấu. Truyền thông nhắc lại rằng cho đến lúc này, Matxcơva vẫn phủ nhận mọi trách nhiệm trong vụ đầu độc Serguei Skripal, cựu điệp viên người Nga đang sống tị nạn ở Anh, và “cái chết giả được dàn dựng này sẽ còn củng cố hơn nữa lập trường của Nga, trong vụ việc này cũng như là trong các vụ khác”.
Do vậy, theo một phân tích, chính quyền Ukraina đang tự đánh mất uy tín của mình trên trường quốc tế: “Rủi ro đầu tiên liên quan đến hình ảnh Ukraina. Từ nay, chính quyền Kiev bị coi là không ngần ngại nói dối, bịa đặt dàn dựng chuyện.
Rủi ro thứ hai là lòng tin, nhất là trong quan hệ với các đối tác châu Âu. Giờ đây, các nước châu Âu tự hỏi liệu có thể tin được vào những tuyên bố của chính quyền Kiev hay không.
Về lâu dài, nếu có các hoạt động bí mật của một cơ quan Nga nào đó, trên lãnh thổ Ukraina, sẽ được che lấp, bởi vì khi Ukraina lên tiếng tố cáo, báo động, ít ai sẽ tin tưởng”.
Biện bạch về hành động của mình, “nạn nhân” nói: "Phản ứng đầu tiên khi nghe tin có một âm mưu ám sát nhắm vào mình là: “Ôi, tôi muốn đóng gói đồ đạc vào một cái túi và biến mất ở Bắc Cực. Nhưng sau đó tôi nhận ra, trốn đi đâu được chứ?”. Babchenko sau đó đồng ý trước đề nghị của cơ quan an ninh Ukraina.
Hôm 29/5, một chuyên gia trang điểm đã đến căn hộ của ông tại thủ đô Kiev và hóa trang cho ông thành người chết. Ông mặc một chiếc áo lỗ chỗ các vết đạn và đổ máu lợn lên người.
Những hình ảnh về Babchenko “bị ám sát” sau đó lan truyền khắp báo chí thế giới. Các bác sĩ do cơ quan chức năng Ukraina thuê được điều tới để chuyển “nạn nhân” đến bệnh viện bằng xe cứu thương, trước khi đưa ra xác nhận ông đã tử vong và chuyển nạn nhân đến nhà xác. "Họ đã thực hiện các biện pháp để làm tôi sống lại nhưng bất thành và tôi đã chết, các bác sĩ đã xác nhận tử vong", Babchenko kể.
Khi mọi thứ đã hoàn thành, ông chỉ còn một mình trong nhà xác và bắt đầu lau máu lợn trên người. "Ngay khi những cánh cổng của nhà xác khép lại phía sau, tôi đã được tái sinh", ông nói.
Babchenko theo dõi tin tức về cái chết giả của mình trên báo chí quốc tế, đọc những lời chia buồn và "thấy mình là một người tuyệt vời như thế nào".
Trước các chỉ trích, Babchenko bảo vệ hành động của mình: "Những người nói việc này làm suy giảm niềm tin vào tôi, các bạn sẽ làm gì trong trường hợp của tôi, nếu họ đến và nói rằng có một vụ ám sát nhằm vào bạn?".