Kiểu xây dựng theo cơ chế bao cấp, bất kể chất lượng thế nào cũng được "tặc lưỡi" đưa vào sử dụng, không có chủ quản lý đích thực..., tình trạng đó khiến nhà tái định cư nằm “bên lề” quản lý nhưng luôn là tâm điểm bức xúc của dư luận về chất lượng chung cư.
Các khu nhà tái định cư đều xây dựng theo cơ chế bao cấp, bất kể chất lượng thế nào cũng được |
Sống trong… sợ hãi
Nhiều người dân khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội lâu nay vẫn bức xúc vì tình trạng xuống cấp nhanh chóng của khu nhà này. Chưa đầy 5 năm sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, cầu thang máy... nơi đây đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
Tình trạng trần nhà bong tróc có thể rơi vào đầu bất kỳ khi nào, gạch bật khỏi nền, ống nước hỏng, thiết bị gắn tường không sử dụng được… không phải là hiếm ở các khu tái định cư.
Chính vì thế, Hà Nội có hàng chục dự án, cần hàng ngàn căn hộ tái định cư, nhưng khi vận động người dân tới ở tại các khu nhà tái định cư, chính quyền và chủ đầu tư rất khó thuyết phục được người dân về chất lượng công trình. Ngay trong cùng khu Trung Hòa – Nhân Chính, các khu nhà thương mại khang trang, sạch sẽ thì các khu tái định cư tường vữa bong tróc, hạ tầng xập xệ, cỏ mọc lấn lối đi.
Ai có trách nhiệm?
Nguyên nhân nhà tái định cư vừa thiếu, vừa kém chất lượng là do các chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, tiêu chuẩn chất lượng đã cam kết. Sau khi đưa công trình vào sử dụng, các đơn vị quản lý không quan tâm đến bảo trì, sửa chữa, khắc phục các hư hỏng dẫn đến chất lượng tòa nhà xuống cấp nhanh chóng.
Một chuyên gia trong ngành xây dựng chia sẻ, lâu nay, các khu nhà tái định cư đều xây dựng theo cơ chế bao cấp, bất kể chất lượng thế nào cũng được "tặc lưỡi" đưa vào sử dụng.
Hầu hết các khu tái định cư chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Cty Quản lý và phát triển nhà quản lý, vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình suốt quá trình sử dụng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng xây bừa xây ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng nhà ở.
Kỹ sư Lê Minh Tiến, một người đã có quá trình giám sát thi công nhà tái định cư, khẳng định, câu chuyện về chất lượng nhà tái định cư sẽ chưa có hồi kết nếu chất lượng công trình không được chủ đầu tư có trách nhiệm từ đầu đến cuối. “Các chủ đầu tư phải ý thức rõ ràng về việc giữ thương hiệu, có trách nhiệm bảo hành sản phẩm cho khách hàng thì việc xây dựng và quản lý mới tốt, khu nhà mới lâu xuống cấp. Nhà tái định cư cũng cần có cơ chế quản lý, vận hành, ràng buộc trách nhiệm như nhà thương mại thì tuổi thọ và chất lượng công trình mới được đảm bảo” – ông Tiến nói.
K.T.