Tác phẩm của người lính viết về người lính giành giải thưởng lớn

(PLO) - Tại Lễ trao giải thưởng “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt I (2016 - 2018)”, có rất nhiều tác giả mặc áo lính và các tác phẩm viết về người lính vinh dự đoạt giải thưởng cao nhất.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và TP Hà Nội tổ chức Lễ trao giải thưởng “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt I (2016 - 2018)”. Đây là hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Dự Lễ trao giải có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo các tác giả đạt giải.

Phát động từ năm 2015, cuộc thi đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, nhà báo, các cây bút, tác giả tham gia, thu hút được có 2.000 tác phẩm gửi về tham dự giải. Hội đồng Chung khảo đã thẩm định và chọn 164 tác phẩm, công trình, ấn phẩm của 19 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá trong đó có 8 giải A, 34 giải B, 67 giải C, 55 giải Khuyến khích.

Thông qua tác phẩm, công trình, hình tượng nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, làm lan tỏa những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, trong xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...

Trong đó, có nhiều tác giả mặc áo lính và các tác phẩm viết, thể hiện về đề tài người lính đoạt giải A như Tập bút ký “Trường Sa! Trường Sa” (tác giả Trương Thị Thương Huyền-Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương), phim tài liệu “Như hạt phù sa” (đạo diễn Vũ Minh Phương-Điện ảnh QĐND), tác phẩm thơ múa “Ký ức dòng Lam” (nhóm biên đạo: Thanh Tùng, NSND Lữ Thị Kiều Lê, Thanh Hằng-Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội)…

Nhà báo Trương Thị Thương Huyền - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, tác giả của tập bút ký “Trường Sa! Trường Sa” cho biết: “Vì yêu Trường Sa nên tôi ấp ủ đề tài đã lâu. Nhiều nhà văn, nhà báo trong những chuyến công tác ra Trường Sa, nếu không chịu khó tìm hiểu, khai thác chi tiết thì tác phẩm sẽ trùng về nội dung, đơn điệu, khô cứng. Vì vậy, tôi đã chọn góc nhìn khác, cách viết khác, sâu lắng, khai thác những khía cạnh tâm hồn, những câu chuyện rất đời thường của cán bộ, chiến sĩ nơi biển đảo tiền tiêu”. Với ngôn ngữ sống động, đi vào lòng người, 12 bút ký trong tập sách là những lát cắt về cuộc sống của bộ đội Trường Sa, mà dẫu ai chưa được ra đó, khi đọc cũng cảm thấy như đã được đằm mình trong đó.

Với những hình ảnh cảm động, chân thật, nội dung sâu sắc, phim tài liệu “Như hạt phù sa” của đạo diễn Vũ Minh Phương (Điện ảnh QĐND) kể về một người cả cuộc đời mang trên mình bộ quân phục Bộ đội Cụ Hồ. Đó là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Hoàng (Ba Hoàng). Trở về đời thường, ông luôn tâm niệm phải sống sao cho trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội. Khi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, ông Ba Hoàng đã vận động đồng đội và các tổ chức hỗ trợ kinh phí xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa và là người khởi xướng, vận động CCB rước ảnh Bác Hồ về thờ tại gia đình. Suốt đời học tập, noi theo tấm gương của Bác, CCB Ba Hoàng đã sống hết mình, gieo những mạch nguồn nhân ái trên mảnh đất quê hương, để mầm thiện đâm chồi, lan tỏa...

Tác phẩm thơ múa “Ký ức dòng Lam” của nhóm biên đạo Thanh Tùng, NSND Lữ Thị Kiều Lê, Thanh Hằng (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) đã khắc họa rõ nét hình ảnh những con người miền Trung, nơi đất cằn sỏi đá, chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Dù trong khó khăn, gian khổ nhưng người dân nơi đây vẫn không nản lòng; luôn yêu thương, đùm bọc nhau với ý chí kiên cường, tạo cho họ sức mạnh chống chọi với thiên tai và vươn lên trong cuộc sống.

Các tác giả mặc áo lính còn đoạt nhiều giải thưởng cao quý khác  như vệt bài: “Sức sống của Đảng-nhìn từ thực tiễn cơ sở” (đoạt Giải B) của nhóm phóng viên Báo QĐND (Phạm Văn Huấn, Đoàn Xuân Bộ, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tấn Tuân).  Với mong muốn hiểu sâu, hiểu đúng, đánh giá toàn diện vai trò của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), nhóm phóng viên Báo QĐND đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó khẳng định: “Đảng mạnh là do các chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên tốt”. 

Mỗi đảng viên bình dị hoàn thành chức trách nhiệm vụ sẽ giúp Đảng ta mạnh hơn, vững hơn. TCCSĐ và từng đảng viên là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng. Hàng ngày, trong từng TCCSĐ, có biết bao đảng viên lặng lẽ, âm thầm hoạt động để biến mục tiêu, lý tưởng, nghị quyết của các cấp ủy đảng trở thành hiện thực. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, phương thức lãnh đạo của TCCSĐ đang tồn tại nhiều vấn đề mà nếu không giải quyết sớm và đồng bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy lực lãnh đạo, sức sống của Đảng.

Đặc biệt, Báo QĐND còn vinh dự được tặng giải thưởng Tập thể xuất sắc quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo QĐND phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức kiên trì, bài bản trong suốt 10 năm qua đã tôn vinh hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo gương Bác; trở thành cuộc thi có thương hiệu, uy tín, giàu tính nhân văn và sức lan tỏa sâu rộng.

Đọc thêm