“Tách” con khỏi mạng xã hội, chuẩn bị đón năm học mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trải qua kì nghỉ hè dài ngày, nhiều học sinh đã hình thành thói quen sử dụng thiết bị điện tử chơi game hoặc lên mạng. Nếu phụ huynh không có cách xử lý hiệu quả, thói quen xấu này có thể gây ra những hệ lụy về sức khỏe và tinh thần cho các em.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mối lo của phụ huynh

Sau kỳ nghỉ hè, anh Bình nhận thấy con gái 13 tuổi (đang học cấp 2 tại một trường học trên địa bàn quận Gò Vấp, TP HCM) trở nên ít tham gia các hoạt động gia đình, ít khi ra ngoài chơi cùng bạn bè, hầu như chỉ thích ở nhà và mải mê lướt Tiktok, Facebook... Con gái dần trở nên tách biệt, cáu kỉnh, thường xuyên tranh cãi với bố mẹ. Anh Bình chia sẻ, vợ chồng anh đang đối diện với thách thức lớn trong việc giải quyết tình trạng “nghiện” mạng xã hội của con. Nhiều va chạm đã xảy ra giữa cha mẹ và con gái khiến vợ chồng anh càng lo lắng con sẽ ngày càng gặp nhiều vấn đề về tâm lý, lơ là việc học, trong khi năm học mới đang đến.

Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh khi con hình thành nhiều thói quen không tốt, nhất là thói quen phụ thuộc thiết bị điện tử, sau kì nghỉ hè. Chị Lâm Thị Ánh, ngụ quận 7, TP HCM chia sẻ: “Suốt mùa hè, hai vợ chồng đi làm, hai con trai nhỏ học cấp 1 ở với cô giúp việc ở nhà, có tham gia học thêm tại trung tâm. Tuy nhiên, mới đây, vợ chồng tôi phát hiện các cháu rủ nhau chơi game trực tuyến mỗi lúc rảnh rỗi và khá “nghiện” game”, lơ là học tập, đi học thêm cũng không hiệu quả. Hai vợ chồng đang không biết làm sao để con bỏ thói quen xấu này, tập trung học hành khi bước vào năm học mới”.

Cha mẹ bận rộn đi làm, ít có thời gian để mắt đến con, để con vui chơi tự do trong dịp hè chính là một phần nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sa đà vào mạng xã hội, game online. Theo một nghiên cứu tại Đại học Calgary (Mỹ), trẻ em có thời gian sử dụng thiết bị điện tử hơn 2 đến 3 giờ mỗi ngày có thể liên quan đến chứng béo phì. Đồng thời, trẻ nhỏ có độ tuổi trung bình khoảng 6 - 8 tuổi có nhiều khả năng mắc các vấn đề về hành vi như cáu kỉnh, dễ tăng động và kém chú ý, trong khi những trẻ lớn hơn có thể mắc các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và kém tập trung.

“Nghiện” mạng khiến các em giảm khả năng tương tác xã hội trực tiếp, dẫn đến lối sống thiếu lành mạnh, đồng thời phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm từ bẫy mạng. Việc lạm dụng thiết bị điện tử cũng khiến các em có thể gặp các vấn đề về thị lực.

Giúp con “cai nghiện” thiết bị điện tử

Theo các chuyên gia tâm lý, dẫn đến việc các em lạm dụng thiết bị điện tử, “nghiện” mạng xã hội, lỗi phần lớn là ở các bậc cha mẹ đã không quan tâm, sâu sát, chuẩn bị cho con khi kì nghỉ hè bắt đầu. Ngay từ đầu hè, cha mẹ cần có một kế hoạch rõ ràng, hữu ích cho con trong suốt kì nghỉ. Đó có thể là những kĩ năng cần học, những chuyến đi khám phá thiên nhiên, những hoạt động kết nối gia đình. Đừng vì viện lý do quá bận rộn mà phó mặc con, dẫn đến việc con sử dụng kì nghỉ hè lãng phí và còn dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực lâu dài.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, để con chấm dứt tình trạng “nghiện” game, đam mê lướt web hay phụ thuộc thiết bị điện tử, phụ huynh cần có những biện pháp như khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động vận động, cung cấp cho con những kiến thức cần thiết về an toàn trực tuyến.

Đồng thời, cha mẹ cũng cần thiết lập quy tắc sử dụng điện thoại và mạng xã hội bằng cách xác định các khoảng thời gian cụ thể khi con được phép sử dụng thiết bị điện tử. Trong thời gian học tập, yêu cầu con tắt hoặc giao điện thoại cho người lớn để bảo đảm không bị xao lãng. Cha mẹ cũng cần khuyến khích sự tương tác xã hội như hẹn hò bạn bè, tham gia câu lạc bộ, hoạt động thể thao, ngoại khóa, tạo không gian học tập tốt cho con tại nhà, cùng con xây dựng danh sách các mục tiêu học tập cụ thể, tạo sự hứng thú và động lực để con chăm chỉ học tập nhằm đạt được những mục tiêu ấy.

“Hãy nhớ rằng, việc giúp con tách ra khỏi mạng xã hội và chăm chỉ học tập, chuẩn bị tốt cho năm học mới đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian để thích nghi. Hãy tạo môi trường ủng hộ và khuyến khích thay vì ép buộc, để các con thấy rằng năm học mới chứa đựng nhiều niềm vui và sự thú vị để con bước vào, thay vì mang đầy áp lực”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga đưa ra lời khuyên: phụ huynh nên thảo luận với giáo viên và nhà trường về việc giám sát sử dụng điện thoại và mạng xã hội của học sinh trong lớp cũng như đề xuất các biện pháp để gia đình và nhà trường cùng theo sát các con. Đặc biệt, cha mẹ phải là người “làm gương” cho trẻ con bằng cách tránh sử dụng quá mức điện thoại và mạng xã hội. Thay vào đó, hãy dành thời gian cùng nhau tham gia vào các hoạt động offline và tận hưởng thời gian sống chất lượng bên nhau.

Đọc thêm