Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường tại cuộc đối thoại trực tuyến “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ” qua cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng qua (2/7) khi đề cập đến nguyên nhân khiến tình trạng an toàn giao thông ngày càng tồi tệ như thời gian qua.
Ông Nguyễn Hồng Trường. |
- Rất nhiều người phản ánh lái xe bất cẩn trên đường cũng do chủ xe ép tiến độ, thời gian. Từ góc độ quản lý nhà nước, xin Thứ trưởng cho biết những biện pháp có thể chấm dứt được tình trạng này?
- Có thể nói trong thời gian vừa qua, Bộ đã có nhiều giải pháp để quản lý tốt hơn công tác vận tải nói chung và đặc biệt là vận tải hành khách, hàng hóa. Đặc biệt, Bộ yêu cầu các đơn vị vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là “hộp đen”). Trước ngày 1/7/2012, khuyến khích lắp đặt. Từ 1/7/2012 đến nay bắt buộc lắp đặt cho tất cả các xe.
- Sáng 1/7, thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra 17 xe khách phát hiện hộp đen của 12 xe không hoạt động. Ông có ý kiến gì?
- Trước 1/7/2013 chưa kiểm tra việc lắp hộp đen với mục đích là để các chủ phương tiện tự giác thực hiện biện pháp bảo vệ cho chủ xe, an toàn cho hành khách và bản thân. Những chủ xe không thực hiện thì rõ ràng là họ chưa thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng hộp đen để quản lý đội xe, lái xe. Nhưng tôi tin rằng số đó là không nhiều.
Từ 1/7/2013, tất cả các đơn vị vận tải sẽ bị xử phạt nếu không lắp đặt thiết bị hành trình hoặc lắp nhưng các thiết bị đó không hoạt động. Tất cả những thông số trên hộp đen sẽ báo hành trình của xe, cũng như là điều kiện để xử lý doanh nghiệp khi xe xảy ra sự cố. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 71. Những chủ xe vi phạm nhiều lần, chúng tôi tính xấp xỉ 2% tổng số chủ xe, thì có thể nghiên cứu để dừng cấp giấy phép vận tải, đồng thời không cho lái xe khách nữa đối với lái xe đó.
- Đăng kiểm xe là một phần quan trọng để quyết định chất lượng xe tham gia giao thông nhưng dường như TNGT cũng có “sự đóng góp tích cực” từ phía cơ quan đăng kiểm. Ông nghĩ sao về phản ánh này?
- Tất cả xe lưu thông trên đường đều được đăng kiểm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tôi khẳng định không có xe nào “tơi tả” được phép chạy trên đường. Nếu có thì đó là những xe hoạt động ở vùng sâu, vùng xa không đến cơ quan đăng kiểm, hoặc trốn cơ quan chức năng để chạy.
- Vậy các cơ quan đăng kiểm được kiểm soát thế nào để không lọt trường hợp “xe cũ nhưng tiền mới” thì sẽ được qua?
- Bằng việc xây dựng quy trình, quy phạm để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động đăng kiểm, kiểm định thông qua hệ thống máy móc tự động…, hiện tượng tiêu cực được giảm tối đa. Vừa qua chúng tôi đã thành lập các đoàn kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, qua đó dừng hoạt động 4 trung tâm, xử phạt 29 cán bộ đăng kiểm, đưa ra khỏi dây chuyền 3 cán bộ đăng kiểm… Và theo quy định 6 tháng chúng tôi sẽ kiểm tra 1 lần để làm trong sạch đội ngũ.
- Định kỳ kiểm tra 6 tháng như vậy thì các trung tâm đăng kiểm có chuẩn bị trước để đối phó không, thưa ông?
- Tôi cho rằng việc xây dựng đạo đức, tác phong, trách nhiệm của người đăng kiểm là chủ yếu… Trong thời gian không dài chúng tôi sẽ loại trừ những cán bộ có biểu hiện tiêu cực trong vấn đề đăng kiểm.
- Việc siết chặt cấp giấy phép lái xe là biện pháp để giảm TNGT, xin Thứ trưởng cho biết về nội dung này?
- Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng một quy trình cấp phép cho các trung tâm đào tạo lái xe, sát hạch. Để đảm bảo khách quan, chúng tôi đã tách khâu đào tạo và khâu sát hạch. Đối với sát hạch, các trung tâm sát hạch được đầu tư công nghệ hiện đại đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Số liệu sát hạch được công khai. Đối với những người trượt sát hạch, chúng tôi cũng có quy trình đào tạo lại, mới được sát hạch lại để đảm bảo chất lượng. Sát hạch phải đảm bảo người được cấp giấy phép lái xe khi ra đường phải có ý thức, trình độ tay nghề.
Đối với đào tạo, người học phải đáp ứng yêu cầu về trình độ và sức khỏe. Hiện có tình trạng người học lái xe nhưng một thời gian dài sau đó mới lái nên trình độ tay nghề cũng không đảm bảo. Ngoài ra, qua kiểm tra đã phát hiện rất nhiều trường hợp bằng giả. Để chống bằng giả, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai làm bằng mới theo công nghệ hiện đại, có thể lưu hành quốc tế và đến nay chưa phát hiện bằng giả loại mới.
Vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra các trung tâm sát hạch để phát hiện những “lỗ hổng” trong việc cấp giấy phép lái xe và kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép thu chi phí xăng đi đường dài đối với học viên để đảm bảo số giờ học trên đường cho người được đào tạo lái xe.
- Trân trọng cảm ơn ông!
* “Ước tính khoảng 48.600 xe phải lắp hộp đen song đến nay mới có khoảng 20.000 ô tô đã lắp. Tôi cho rằng, những doanh nghiệp không lắp hộp đen cho phương tiện là không quan tâm tới điều kiện an toàn và quản lý doanh nghiệp nên không xứng đáng để tiếp tục kinh doanh trên thị trường, đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia). * “Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng. Xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình. Có vụ CSGT nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật; lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông đưa tiền cho CSGT”, ông Trần Sơn Hà (Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) |
Huy Anh (ghi)