Tai nạn nghề nghiệp với nghệ sĩ, vận động viên: Trách nhiệm thuộc về ai?

(PLO) - Những vụ tai nạn nghề nghiệp của các nghệ sĩ, vận động viên đã làm hạn chế khả năng, cơ hội hoạt động nghề nghiệp của họ và ảnh hưởng tới quá trình sáng tạo nghệ thuật, thành tích thể thao Việt Nam.
Diễn viên Nguyễn Giàu bị tai nạn khi đóng phim.
Diễn viên Nguyễn Giàu bị tai nạn khi đóng phim.

Từ thương tật tới tử vong

Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì số lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao vào khoảng trên 32.000 người trong số 53,5 triệu lao động cả nước hiện nay (chiếm khoảng 1,68%).

Cụ thể, làm việc chủ yếu ở các lĩnh vực sau: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn (sân khấu, xiếc, múa, hát...): 10.000 người; Di sản văn hóa phi vật thể: đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 600 người; Mỹ thuật (họa sĩ, điêu khắc...): 2.600 người, thể dục thể thao: 19.000 người. Số lao động này tuy nhỏ nhưng công việc do họ thực hiện đều thuộc lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi người lao động phải có năng khiếu, có sự phát triển đặc biệt phù hợp với nghề, công việc đảm nhận, có những người bộc lộ khả năng từ rất sớm dưới độ tuổi lao động phổ cập (15 tuổi).

Công việc của những lao động này cũng tiềm ẩn những rủi ro xuất phát từ chính nghề nghiệp như tuổi nghề rất ngắn, dễ bị chấn thương, tai nạn nghề nghiệp...

Nhiều vận động viên (VĐV) thể thao Việt Nam đã phải trả giá bằng mạng sống trong quá trình tập luyện, thi đấu. Năm 1996, tay đua Huỳnh Kim Hùng đã tử nạn trên quốc lộ 13 khi đang thi đấu. Năm 2003, khi đang chuẩn bị cho SEA Games 22, VĐV Nguyễn Thị Huệ đã bị chấn thương ở cổ, dẫn đến tàn phế suốt đời. Cùng năm đó, tay đua Đỗ Xuân Tâm cũng đã bỏ mạng do bất ngờ lên cơn đau tim.

Trong một nghiên cứu của hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam công bố năm 2009 thì tần suất tai nạn lao động trong một năm mà các nghệ sĩ xiếc gặp phải lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường. Nghệ sĩ Tuyết Hoàn gắn bó với ngành xiếc gần 20 năm với môn nghệ thuật nhào lộn trên cao. Trong 2 thập kỷ ấy, số lần ngã, chị ngã trong khi luyện tập là không đếm xuể. Nặng nhất là một lần đang diễn môn đu dây trên không, do sơ ý trượt chân, chị ngã xuống đất và bị gãy tay. 

Cũng như nghệ sĩ Tuyết Hoàn, nghệ sĩ xiếc Đức Đào gắn bó nghề chục năm.  Nghệ sĩ Đức Đào huấn luyện gấu xiếc đã nếm trải đủ đắng cay, vất vả. Vết sẹo chằng chịt tại cánh tay là những gì nghề nghiệp mang lại với ông. Trong một lần huấn luyện, con gấu to nhất đàn đã nhảy lên tấn công khiến cánh tay trái bị giập nát phải vào cấp cứu trong bệnh viện. Sau đó cánh tay cứ thế teo đi. Nghệ sĩ Thu Thảo từng là diễn viên nhào lộn trên không và trong một lần đang tập môn đu chuẩn bị cho liên hoan xiếc quốc tế thì bị ngã rạn mấy chiếc xương sườn. 

Không chỉ ngành xiếc, ngành điện ảnh cũng gây tiềm ẩn tai nạn cho các nghệ sĩ. Còn nhớ, Nguyễn Giàu, diễn viên phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” đã qua đời khi bị ngã từ lầu 1 xuống đất trên trường quay phim dẫn tới thương nặng.  Trong khi tham gia đóng phim “Dòng máu anh hùng” do hãng phim Chánh Phương sản xuất, diễn viên Lê Quang bị đạn lửa phụt vào mắt gây chấn thương. Còn diễn viên Trương Minh Cường đã bị bạn diễn không may đá gãy tay, phải đi bó bột. Trong một cảnh quay “Sứ mạng sinh tử”, anh còn bị kính đâm vào mặt và tay khiến máu tuôn xối xả.

Những vụ tai nạn nghề nghiệp ấy đã làm hạn chế khả năng, cơ hội hoạt động nghề nghiệp của cá nhân; ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo nghệ thuật, thành tích thể thao Việt Nam.

Cần đảm bảo an toàn cho các nghệ sĩ, vận động viên

Dự thảo Thông tư Quy định một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lấy ý kiến. Theo đó, dự thảo Thông tư dự kiến gồm 11 điều. Để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, người sử dụng lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật cần có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật. 

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức biểu diễn cần xem xét các yếu tố chuyên môn liên quan đến việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật để yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, giải thi đấu thể thao thực hiện trong quá trình tổ chức. Đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật cũng có trách nhiệm xác định rõ trách nhiệm về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cá nhân tham gia bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình tập luyện, biểu diễn, thi đấu.

Dự thảo Thông tư cũng quy định quyền lợi của người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật được hưởng chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và các quy định chuyên môn đối với từng loại hoạt động khi tham gia tập luyện, thi đấu, biểu diễn.

Theo đó, người sử dụng lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật có trách nhiệm thành lập bộ phận y tế hoặc bố trí người làm công tác y tế có chuyên môn phù hợp, trường hợp không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế thì phải ký hợp đồng với cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực để tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe cho người lao động theo quy định hoặc khám đột xuất theo chỉ định của người làm công tác y tế; ban hành và tổ chức thực hiện quy định về trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động đối với từng loại hoạt động nghệ thuật, áp dụng tại đơn vị mình theo quy định của pháp luật.

Tất  thảy nghệ sĩ, vận động viên đều mong rằng, dự thảo Thông tư này sẽ góp phần giảm thiểu tối đa những tai nạn nghề nghiệp cũng đảm bảo an toàn và có chế độ bảo hiểm phù hợp với đặc thù từng nghề nghiệp.

Đọc thêm