Tại sao Bộ LĐTBXH đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 10 năm vẫn được hưởng lương hưu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới 10 năm. Tại sao Bộ LĐTBXH lại đưa ra đề xuất này?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề xuất trên được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự thảo đã được gửi Chính phủ và lấy ý kiến đến ngày 16/6.

Theo đó, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ LĐTBXH, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến nhiều người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu.

Theo quy định của Luật BHXH, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội (tầng BHXH phổ quát) do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Việt Nam chi trả lương hưu "thuộc loại hào phóng nhất thế giới"
Tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao, mức tối đa là 75% cho 35 năm đóng góp đối với nam và 30 năm đóng góp đối với nữ, tương ứng với tỷ lệ tích lũy là 2,14% cho mỗi năm đóng góp đối với nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp đối với nữ. Tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới và chính sách hưu trí của Việt Nam được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là thuộc loại hào phóng nhất thế giới. 

Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.

Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32  triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Bộ LĐTBXH nhận định, mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.

Tính đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng. Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng bình quân 70,1%. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, với mô hình hưu trí như Việt Nam hiện nay, để người nghỉ hưu hưởng lương hưu trong 20 năm thì thời gian đóng góp bình quân ít nhất là 40 năm thì mới đảm bảo cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn.

Bên cạnh đó, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, cứ có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; 10 năm sau, năm 2006 tỷ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1. Tỷ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên. 

Đọc thêm