Khoảng trống nhà phê bình điện ảnh
Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, ở Việt Nam hiện nay, đời sống điện ảnh, hoạt động sản xuất và chiếu phim diễn ra sôi nổi, rất nhiều tiếng nói đánh giá, phê bình phim trở thành tâm điểm. Thế nhưng, có một khoảng trống tương đối lớn là đang thiếu những bộ sách, công cụ giáo trình hiện đại và cập nhật để có cái nhìn đầy đủ hơn về điện ảnh. Nhà sản xuất phim chuyên nghiệp rất cần lắng nghe, đón nhận những bài phê bình khách quan, công tâm và có nghề.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Phương - Phụ trách điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, mỗi người đang như một người phê bình phim trên mạng xã hội, một mặt là để bày tỏ quan điểm cá nhân, mặt khác có thể gây độc hại cho thị trường điện ảnh nếu thiếu nhận thức. Những bài giới thiệu ăn tiền, bài đăng làm tiết lộ nội dung phim là vấn nạn nhức nhối toàn thế giới.
Nếu khán giả, người làm phim, nhà phê bình phim có nhận thức nhất định, nâng cao năng lực thưởng thức thông qua buổi trải nghiệm, sách vở thì việc bàn luận phim sẽ văn minh hơn nhiều, thúc đẩy nền điện ảnh phát triển. Điều này liên quan đến giáo dục, cần phải cố gắng tạo ra cộng đồng xem phim văn minh. Từ đó dòng phim độc lập, phim nghệ thuật có đất diễn hơn, thay vì chỉ chú ý đến dòng phim thương mại như hiện nay.
Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang chia sẻ: “Một nền phê bình mạnh sẽ thúc đẩy một nền điện ảnh năng động”. Từ góc độ của những nhà làm phim và đào tạo, nền phê bình điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn còn non trẻ và đang đối mặt với nhiều thách thức”.
Theo đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, có thời điểm Việt Nam sản xuất tới 30 - 40 phim một năm nhưng sự phát triển về chất lượng dường như chưa theo kịp số lượng. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu các bài phê bình xác đáng để nhà sản xuất nhìn vào đó và đánh giá lại “đứa con tinh thần” của mình. Ngành phê bình điện ảnh gần như “chết” khi thiếu vắng những bài viết chuyên sâu, nghiêm túc, trong khi mục văn hóa trên các tờ báo lại dần trở nên chung chung.
NSND Phạm Nhuệ Giang bày tỏ, phê bình điện ảnh khác hoàn toàn với phê bình văn học, bởi điện ảnh là nghệ thuật dàn cảnh của đạo diễn. Việc hiểu được cách dàn cảnh, bố cục khuôn hình, ánh sáng và màu sắc là yếu tố quyết định để đánh giá phim. Yêu cầu này đòi hỏi người viết phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu. Tuy nhiên, việc đào tạo lý luận và phê bình điện ảnh ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. “Cách đây nhiều năm có khoa phê bình, lý luận về điện ảnh nhưng rồi chỉ có một sinh viên thi vào nên không thể mở lớp”, bà Phạm Nhuệ Giang chia sẻ thêm.
Đây là một thực tế đáng lo ngại, bởi phê bình điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà sản xuất nhận ra những bài học từ tác phẩm của mình. Nếu nền phê bình điện ảnh phát triển, điều này sẽ tạo ra sự phản hồi hữu ích và có giá trị cho ngành sản xuất phim ảnh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Nhìn nhận từ góc độ đào tạo, ông Nguyễn Hoàng Phương - phụ trách điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD cũng nhấn mạnh: “Một nền điện ảnh phát triển cần phải phát triển các khâu, từ người làm phim đến người giảng dạy, giám tuyển và phê bình”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc học và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực phê bình điện ảnh là rất khó khăn tại Việt Nam, bởi vì tài liệu về ngành chưa phong phú.
Từ những chia sẻ của các chuyên gia, có thể thấy rằng nền phê bình điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy. Tuy nhiên, với sự đầu tư đúng đắn vào việc đào tạo và phát triển, tương lai của ngành này hoàn toàn có thể phát triển, đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của điện ảnh trong nước.
Và chúng ta viết gì về phim?
Buổi Tọa đàm thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia. (Ảnh: PV). |
Nguồn sách về điện ảnh tại Việt Nam hiện nay vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là các tài liệu chuyên ngành cần thiết cho những người làm phim, nghiên cứu và học tập trong lĩnh vực này. Trước đó, đạo diễn Việt Linh đã cho ra mắt tủ sách điện ảnh, nhưng nỗ lực đó chưa thể đủ để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phê bình về nghệ thuật thứ bảy.
“Theo khảo sát của tôi, hệ thống sách giáo trình về điện ảnh tại Việt Nam đang bị lạc hậu, thiếu cập nhật, làm cho người đọc không thể có cái nhìn tổng quát hơn về lịch sử điện ảnh, trong khi đây là một lĩnh vực quan trọng cần phải biết nhằm viết phê bình”, TS Mai Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Phương, tài liệu về điện ảnh ở Việt Nam rất hiếm, chủ yếu là về biên kịch, một lĩnh vực dễ tiếp cận hơn, hoặc lịch sử điện ảnh. Các sách về đạo diễn, quay phim hay sản xuất còn rất ít. Đây cũng là khó khăn lớn nhất mà các cơ sở đào tạo phải đối mặt. Thực tế, theo ông Phương, sách về điện ảnh rất khó để thương mại hóa. Vì vậy, các đơn vị đào tạo hiện nay chỉ mới thực hiện sưu tầm và lưu hành nội bộ.
Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị giáo dục, nhà xuất bản và những người làm sách cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm đưa ra giải pháp từ việc mua bản quyền nước ngoài, dịch thuật cho đến việc tạo ra những ấn phẩm mang tính cập nhật và phù hợp với nhu cầu của người học cũng như người làm nghề.
Việc mở rộng và phát triển nguồn sách chuyên ngành về điện ảnh là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển. Hơn hết, dòng sách công cụ, cung cấp kiến thức nền sẽ thiết thực trong việc xây dựng một lớp công chúng am hiểu về phim. Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, hiện nay đang tồn tại khoảng trống cho một công cụ về điện ảnh cung cấp kiến thức với những cập nhật mới nhất. Và cuốn sách “Hướng dẫn viết về phim” chính là nỗ lực để lấp đầy khoảng trống ấy.
Theo một số diễn giả, trong bối cảnh hoạt động phê bình, đánh giá phim ở Việt Nam còn yếu do thiếu những công cụ và giáo trình hiện đại thì cuốn sách “Hướng dẫn viết về phim” được coi là một tài liệu quý khi kết hợp giữa cẩm nang hướng dẫn viết và sách giáo khoa nghiên cứu điện ảnh. Cuốn sách cũng cập nhật nội dung về công nghệ kỹ thuật số trong nghiên cứu phim, đảm bảo tính thời sự và ứng dụng cao.
Tác giả Timothy Corrigan (là Giáo sư danh dự ngành Ngôn ngữ Anh và Nghiên cứu Điện ảnh tại Đại học Pennsylvania). Trong lĩnh vực nghiên cứu điện ảnh, ông tập trung nghiên cứu điện ảnh quốc tế đương đại và phim tài liệu. Nhiều công trình, tiểu luận về điện ảnh, truyền thông, nghệ thuật của ông đã được xuất bản, tái bản và phổ biến rộng rãi)… tin rằng, cuốn “Hướng dẫn viết về phim” sẽ dẫn dắt sinh viên đi từ lòng yêu thích một bộ phim nào đó tới niềm vui được viết, được thể hiện quan điểm về bộ phim đó. Với vô số ví dụ từ sinh viên và các chuyên gia điện ảnh, cuốn sách đưa người đọc từ quá trình ghi chép và viết nháp ban đầu cho đến trau chuốt các bài luận hay đề tài nghiên cứu về phim.
Đây là cuốn sách tái bản có chỉnh sửa, bổ sung của cuốn “Hướng dẫn viết về phim” do dịch giả Đặng Nam Thắng chuyển ngữ, Nhà xuất bản Tri thức, Nhã Nam và Dự án Điện ảnh quỹ FORD, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2010. Cuốn sách cung cấp các khái niệm và công cụ về điện ảnh, hướng dẫn cách triển khai ý tưởng và viết phê bình điện ảnh.
Bản in lần này được Nhã Nam hiệu đính, dịch bổ sung, với một số thay đổi: hoàn thiện phần giới thiệu mục tiêu học tập ở đầu mỗi chương; tích hợp và nhấn mạnh các gợi ý viết vào mỗi chương, khích lệ sinh viên dừng lại và áp dụng những kiến thức vừa học vào phân tích một bộ phim cụ thể hoặc quen thuộc mà họ đang theo dõi; mở rộng phần nội dung về công nghệ kỹ thuật số; cập nhật thêm các ví dụ minh họa từ các bộ phim mới nhất...
Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang chia sẻ, cuốn sách có thể gợi mở những cách tư duy và tiếp cận mới, có hệ thống về phim. Đây là cuốn sách dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính cập nhật, cụ thể, đồng thời có các bài mẫu và mở rộng về lịch sử điện ảnh thế giới. Với cấu trúc chặt chẽ, bài bản, tác phẩm cung cấp một lộ trình rõ ràng, chi tiết để phát triển kỹ năng viết chuyên môn về điện ảnh.
Và với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh, bà thừa nhận rằng sau nhiều năm, các trường vẫn chưa có giáo trình cụ thể cho từng chuyên ngành và phải phụ thuộc nhiều vào bài giảng của từng giảng viên. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của cuốn sách trong việc gợi mở những cách tư duy và tiếp cận mới, có hệ thống về phim.
Với kinh nghiệm phong phú trong ngành và từng đóng vai trò giám khảo tại nhiều Liên hoan phim quốc tế, đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng kiến thức về các lĩnh vực của công chúng thưởng thức nghệ thuật, trong đó có điện ảnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, thế hệ Gen Z ngày nay ngày càng quan tâm tới điện ảnh nhiều hơn, trong khi đó, thế hệ Gen Y tuy được chứng kiến nhiều sự kiện điện ảnh đương thời nhưng lại thiếu một không gian để trao đổi, chia sẻ. Ông Phương cũng đề cập đến những thách thức mới đối với phê bình phim trong thời đại kỷ nguyên số 4.0. Mặc dù việc đánh giá phim đã trở nên tự do và phong phú hơn, nhưng cũng xuất hiện những vấn đề nhức nhối, được coi là mặt trái của mạng xã hội như tin giả, truyền thông bẩn, thiếu kiểm soát về ngôn từ trong tranh luận phê bình phim...