Những kênh thông tin gây nhầm lẫn
Đầu năm 2025, UBND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) có văn bản đề nghị Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm tài khoản mạng xã hội có tên ĐHD do đăng tin không chính xác về di tích quốc gia đền Tranh, tránh gây hiểu nhầm về thông tin các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.
Được biết, qua theo dõi video, UBND huyện Ninh Giang nhận thấy, thông tin và hình ảnh trong clip là không chính xác, không đúng với di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia đối với Di tích lịch sử - văn hóa đền Tranh trên địa bàn huyện Ninh Giang.
Hình ảnh về cơ sở thờ tự được nêu trong đoạn video clip trên không phải là đền Tranh mà là hình ảnh về công trình do tư nhân xây dựng trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê sông Luộc, không có giá trị về mặt di tích, không được UBND tỉnh Hải Dương đưa vào danh mục bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh, không được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Thực tế, một số nền tảng mạng xã hội hiện nay đang ẩn chứa thông tin sai lệch, làm “nhiễu loạn” kiến thức lịch sử. Theo báo cáo do trang NewsGuard thực hiện, một số nền tảng mạng xã hội như TikTok đang cung cấp thông tin sai lệch cho những người dùng tìm kiếm thông tin. NewsGuard đã phân tích các kết quả cho ra số liệu đến có 19,5% video được đề xuất chứa các tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu nhầm.
Tuy nhiên, các video trên mạng xã hội đang thu hút hàng triệu người Việt Nam theo dõi mỗi ngày. Trong đó, phần lớn là những người trẻ. Một số nền tảng như Facebook, Instagram, Youtube,... đang góp phần định hướng thông tin cho giới trẻ Việt Nam. Vì vậy, việc đưa thông tin lịch sử lên mạng Internet cần phải được kiểm duyệt kỹ càng.
Cần phải nghiên cứu kỹ các tư liệu lịch sử trước khi làm truyền thông
Có thể nhận thấy, trong vài năm trở lại đây, lịch sử, văn hóa đang trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ. Tại các nền tảng như YouTube, Facebook, Zalo,... không khó để bắt gặp những kênh video lịch sử thu hút hàng triệu lượt xem, với lượng truy cập chủ yếu là từ khán giả trẻ.
Những kênh lịch sử trên Internet đều cho thấy góc nhìn của người trẻ rất phong phú về mặt nội dung và đa dạng hình thức thể hiện. Từ lịch sử phong kiến, lịch sử hiện đại đến những cuộc chiến chống quân xâm lược hay đơn giản là cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam cách đây vài thế kỷ, thay vì sử dụng số liệu hay con chữ khô cứng, người trẻ đã sử dụng hình ảnh, các đoạn phim tư liệu, đồ họa thông tin hay cầu kỳ hơn là “vẽ” một bộ phim hoạt hình để minh họa cho nội dung.
Chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội, người trẻ dành tình cảm cho các di tích lịch sử, bảo tàng truyền thống. Ngay cả cổ phục Việt Nam cũng đang được phục dựng lại đa dạng về màu sắc, mẫu mã, thường được giới trẻ mặc trong những dịp lễ trọng đại như đám cưới, ăn hỏi, lễ tết, tốt nghiệp,...
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Phạm Kim Anh, TS lịch sử, nguyên cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Một bộ phận giới trẻ có xu hướng yêu thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Việt Nam, tạo dựng lại những giá trị văn hóa truyền thống bằng hình ảnh qua cách thể hiện như trang phục, dựng phim lịch sử... cho thấy đó là một dấu hiệu tích cực, đáng trân trọng và cần khuyến khích. Từ đó, họ sẽ lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, kết nối quá khứ với hiện tại, lưu giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh, việc lan tỏa các hình ảnh đó lên mạng xã hội cần thận trọng, tránh việc giật tít, “câu like”, gây chú ý một cách phản cảm, không đúng với bản chất văn hóa, lịch sử. Trước khi làm nội dung truyền thông về lịch sử, văn hóa trên mạng xã hội, giới trẻ cần phải tìm hiểu thật kỹ nội dung, bối cảnh, cách thức thể hiện sao cho phù hợp, sống động song bảo đảm tính chính xác, khách quan. Có như vậy thì giá trị của những tác phẩm lịch sử, văn hóa mới đem lại ý nghĩa sâu sắc....
Như hiện nay, một số nội dung lịch sử trên mạng Internet (ở những kênh không chính thống) mới chỉ quan tâm tới việc giật tít gây sốc, ít chú trọng đầu tư chất lượng cho những “đứa con tinh thần”, thậm chí không đối chứng lại các thông tin được đăng tải.