Lo ngại về “an ninh, trật tự” (!)
Theo giải thích của Bộ Tài chính về điều kiện kinh doanh (khoản 9, 10 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 13, 14 Nghị định 104/2007/NĐ-CP), thì “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề nhạy cảm trên phương diện an ninh, trật tự do các sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ hiện nay là các sai phạm về an ninh, trật tự (doanh nghiệp sử dụng các biện pháp thu hồi nợ bất hợp pháp kiểu “xã hội đen”). Trên phương diện kinh doanh, kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng như hoạt động kinh doanh thông thường khác, tự chủ về hoạt động và tự chịu trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của mình”.
Như vậy, giải thích của Bộ Tài chính theo nội dung trên thì yếu tố quan trọng nhất tác động đến lợi ích công cộng, cần phải quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ là “an ninh, trật tự”.
Đứng từ góc độ tính chất và tác động của dịch vụ này, quan ngại về nguy cơ an ninh, trật tự là hoàn toàn hợp lý và do đó việc kiểm soát hoạt động kinh doanh này từ góc độ “an ninh, trật tự” là cần thiết. Mặc dù vậy, hiện tại, ngành nghề này được xác định là ngành nghề phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Như vậy, yếu tố tác động đến “an ninh, trật tự”, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm đối với ngành nghề này, đã được kiểm soát thông qua Giấy chứng nhận nói trên.
Do đó, góp ý vào Dự thảo Nghị định, các chuyên gia pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần đánh giá lại các điều kiện kinh doanh đang thiết kế đối với ngành, nghề dịch vụ đòi nợ ở Nghị định này trong bối cảnh nói trên để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước.
Vốn điều lệ 2 tỷ để làm gì?
So với Nghị định 104/2007/NĐ-CP thì Dự thảo điều chỉnh khái niệm từ “vốn pháp định” thành “vốn điều lệ” và vẫn giữ nguyên mức vốn là 2 tỷ đồng. Trong tờ trình gửi Chính phủ, Ban soạn thảo cũng không giải trình cụ thể về lý do và mục tiêu về việc yêu cầu mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Điều kiện này cũng là điều kiện mà cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia có ý kiến thời gian vừa qua. Trong các văn bản góp ý trước đây liên quan đến điều kiện kinh doanh của dịch vụ đòi nợ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng điều kiện về vốn của hoạt động kinh doanh này là chưa phù hợp với mục tiêu khi quy định về điều kiện kinh doanh. VCCI thắc mắc, không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng.
Các chuyên gia từ VCCI cho rằng, xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên. Khi đó, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ, đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng.
Đối với mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự - vấn đề đang được xem là cơ bản, cần phải quản lý đối với hoạt động kinh doanh này, chưa có bằng chứng nào rõ ràng về việc những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế sẽ đảm bảo tuân thủ pháp luật về an ninh trật tự hơn là các doanh nghiệp không có tiềm lực kinh tế.
Vì vậy, các chuyên gia pháp luật cho rằng, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, cần cân nhắc bãi bỏ.