Tại sao nhiều người trẻ mù quáng với trào lưu Khá “bảnh”?

(PLVN) - Người thường cố gắng để nổi tiếng là chuyện bình thường, thế nhưng “giang hồ” mà được lăng xê nữa có lẽ lại một chuyện lạ, gây kích thích với người trẻ. Đó là câu chuyện của Khá “bảnh” - một “hiện tượng mạng” đang gây bão gần đây. Qua đó hé lộ ra mảng tối về quan điểm và lối sống bất cần đời của một bộ phận người trẻ ngày nay.
Clip lăng xê Khá “bảnh” được cho là cắt ghép với một bar ở nước ngoài
Clip lăng xê Khá “bảnh” được cho là cắt ghép với một bar ở nước ngoài

Coi rẻ tính mạng để gây sốc

Cách đây không lâu, bức ảnh gồm 8 thanh niên dàn hàng ngang, tạo dáng cạnh hai chiếc ô tô đậu tại làn khẩn cấp trên tuyến quốc lộ Hà Nội - Hải Phòng đã nhận được rất nhiều sự chú ý của dư luận, trong đó ủng hộ có, bất bình cũng có.

Theo đó, đại diện quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho rằng: “Tính mạng con người rẻ chỉ bằng bức ảnh thôi sao? Đây là trường hợp chưa có tiền lệ xuất hiện trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông có thể dẫn đến chết người”. 

Giống như một số vụ dừng xe, ngồi ăn uống trên cao tốc xảy ra gần đây, 2 chủ phương tiện này sẽ đối diện với việc bị xử phạt nguội vì vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Đối với đường cao tốc, cả Luật, Nghị định và Thông tư đều quy định rõ khi xe hư hỏng, hoặc sức khỏe của người lái xe không đảm bảo thì mới dừng lại ở làn khẩn cấp, còn lại đối với trường hợp bình thường mà đỗ lại ở làn này là vi phạm quy định. Mức xử phạt cho trường hợp này theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP là từ 6 triệu - 8 triệu đồng.

Điều đáng nói ở đây là bức ảnh được đăng tải từ Facebook của Ngô Bá Khá, còn gọi là Khá “bảnh”, là một trong những người dàn hàng ngang chụp ảnh và cũng là một “hiện tượng mạng” khá nổi gần đây khi thường xuyên đăng tải những clip thể hiện lối sống “giang hồ”, được coi là thần tượng trong lòng của nhiều thanh niên trẻ tuổi. 

Trở lại vụ việc trên, sau khi bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội, Khá “bảnh” còn đăng video thừa nhận hành vi của mình và nhóm bạn. Cùng thời điểm, khi Cục CSGT (Bộ Công an) gửi giấy mời chủ của hai chiếc xe xuất hiện trong bức ảnh lên làm việc và xử phạt thì Khá “bảnh” tỏ thái độ coi thường quyết định của các cơ quan chúc năng.

Anh ta trần tình: “Sau khi đỗ xe lại bên cạnh đường và đi vệ sinh, Khá mở điện thoại để xem lộ trình đường đi thì thấy bạn bè đang đứng túm tụm lại nên mới chụp một bức ảnh kỷ niệm. Nam thanh niên liên tục nhấn mạnh mình “không cố tình gì cả, chỉ là mình xuống đi vệ sinh rồi vô tình anh em đứng chụp kiểu ảnh thôi chứ không có gì cả”.  

Khá cũng tỏ ý không đồng tình với ý kiến cho rằng mình phải bị xử phạt.  Khá “bảnh” còn trấn an “người hâm mộ” rằng mình không sao, đồng thời cho biết sẽ “rút kinh nghiệm” lần sau không chụp ảnh trên đường cao tốc nữa.

Tuy nhiên, sau đó nam thanh niên đã đăng tải một video clip về việc phim của mình được chiếu tại một bar nước ngoài để thể hiện bản thân còn “nổi như cồn” hơn sau hình ảnh vi phạm luật giao thông. Clip này thu hút lượng tương tác, chia sẻ cao, nhưng sau đó cư dân mạng “té ngửa” khi phát hiện đây chỉ là clip cắt ghép, dàn dựng.

Nhóm thanh niên Khá “bảnh” chụp ảnh trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Nhóm thanh niên Khá “bảnh” chụp ảnh trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Không chỉ là thái độ bất cần, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của Ngô Bá Khá và những người bạn của mình… mà hơn hết, chính sự ủng hộ của một bộ phận rất đông người trẻ cho những hành vi ngông cuồng, ngạo ngược trên là một hiện tượng đáng báo động về thị hiếu và cách sống của giới trẻ ngày nay.

Được biết, Ngô Bá Khá sở hữu hơn 1,8 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Youtube với tên là Khá “bảnh”. Những video clip đăng tải của người này thường chứa những nội dung liên quan tới lối sống “giang hồ” bất cần như đòi nợ, hút hít, gái gú, rượu bia… với nhiều lời lẽ tục tĩu, cổ súy những quan niệm lệch chuẩn về đạo đức.  

Lợi dụng quá khứ tù tội để câu view

 Khá “bảnh” thừa nhận nổi tiếng chủ yếu qua việc đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, hành hung và đánh người. Đây là lý do dù tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1993), nhưng người này đã sớm “bất cần đời” từ khi còn học lớp 7. Năm 2011, Khá “bảnh” bị bắt vào trại giáo dưỡng Ninh Bình bởi tội đánh người và cố ý gây thương tích. Đây cũng là lý do khiến Khá bị đuổi học.

Sau đó, gia đình đã xin cho đi học lại nhưng anh chàng vẫn quyết định nghỉ học và bắt đầu cuộc sống bụi đời. Theo Khá chia sẻ “một cách tự hào” rằng từ đó đến nay mình đi tù thêm vài lần nữa nhưng thời gian không nhiều, lý do vào tù là những tội như hành hung, đánh người gây thương tích liên quan đến chuyện đòi nợ, chứ không phải cướp của, hiếp dâm. Theo đó, có một video clip được anh ta đăng tải trên trang Youtube của mình ghi nhận lại ngày ra tù, được đông đảo “anh em” đến đón, clip này đã thu hút gần chục triệu lượt xem. 

Có thể thấy rằng, Khá “bảnh” sẽ không thể nổi tiếng như hiện nay nếu không có mạng xã hội. Theo các nhà nghiên cứu, mạng xã hội nhiều khi cung cấp thông tin chưa được kiểm chứng nên rất dễ làm nhiễu loạn thông tin, “vàng - thau” lẫn lộn, mập mờ trong các chuẩn giá trị.

Mọi người đều được đọc, xem và chia sẻ thông tin mà chưa biết thực hư, cũng không có phương pháp để kiểm chứng, dẫn đến việc nghiễm nhiên tự cho những điều mình thấy là sự thật. Ngược lại, chính sự đón nhận “đê mê mù quáng” của giới trẻ cũng là động lực cho Ngô Bá Khá và những người giống như anh ta tiếp tục lối sống bất cần, tự cho đó là hay ho, không nghĩ đến hậu quả. 

Bên cạnh những “fan phong trào”, nhiều cư dân mạng cho rằng Khá “nổi tiếng qua những video đạo đức giả” trên mạng. Tức là, anh ta trần tình rằng mình đăng tải những clip về tệ nạn xã hội, mặt trái của cuộc sống và chia sẻ người trẻ nên hay không nên làm điều gì nhằm mục đích cảnh tỉnh giới trẻ không sa đà vào con đường tội lỗi.

Khá ‘bảnh’ hiện là cái tên khá nổi trong cộng đồng mạng Việt với các video chứa lời lẽ tục tĩu, giang hồ.
Khá ‘bảnh’ hiện là cái tên khá nổi trong cộng đồng mạng Việt với các video chứa lời lẽ tục tĩu, giang hồ.

Song thực tế cho thấy, chính bản thân Ngô Bá Khá cũng không thực hiện được những điều anh ta hùng hồn tuyên bố. Một mặt anh ta “giáo dục” kẻ khác ở trên mạng phải sống tốt nhưng ngoài đời lại ngang nhiên vi phạm pháp luật rồi tỏ thái độ thách thức.

Một điều đáng lo ngại khác là việc Khá “bảnh” lợi dụng quá khứ tù tội, lối sống ngông nghênh theo kiểu “dân anh chị” như một yếu tố câu view trên mạng xã hội. Song việc Khá có thực sự sống kiểu “giang hồ” như video clip của anh ta trên mạng xã hội hay không còn là câu hỏi bỏ ngỏ. 

Thế nhưng, nhiều người trẻ tỏ ra thích thú với những yếu tố “lạ” trên, lấy Khá là một hình tượng mẫu để học theo, biến bản thân thành những “bản sao” của Khá “bảnh” từ cách làm tóc, xăm trổ, ăn nói xấc xược, mặc quần rách, áo ôm sát, đến lối sống bụi đời, “không cần biết ngày mai” trong các bar, club với rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác… Dù bộ phận này nhận nhiều sự chỉ trích và chế giễu từ cộng đồng mạng nhưng nhóm fan này lại có thái độ thách thức chẳng khác gì “thần tượng” của họ. 

Thật đáng buồn!

Trào lưu hâm mộ Ngô Bá Khá cho thấy, lối suy nghĩ sống lệch lạc của một bộ phận giới trẻ ngày nay, một phần do sự phụ thuộc vào mạng xã hội, phần khác là do bộ lọc thông tin và phân biệt đúng sai của người trẻ chưa hoàn thiện. Mặt khác, cư dân mạng càng chế giễu sự nổi tiếng “nửa mùa” của Khá thì lại càng làm cho anh ta nổi tiếng hơn, giúp lan tỏa hình ảnh của anh ta trên mạng xã hội. 

Nhiều người dùng đã thẳng thắn bình luận, Khá “bảnh” cũng giống như nhiều chủ kênh khác trên Youtube, chỉ quan tâm mình có bao nhiêu lượt xem, kiếm được bao nhiêu tiền cho mỗi video, chứ không hề nhằm mục đích tuyên truyền, hướng thiện cho người xem. Tương tự những hiện tượng mạng trước đây cùng nổi tiếng theo công thức “scandal lố bịch” để gây chú ý và kiếm tiền như: Tùng Sơn, Lệ Rơi, Hoa Vinh…

Nhưng ở họ đều có điểm chung là nổi tiếng nhanh nhưng  kết cục không bền. Có ý kiến cho rằng: “Mặt trái của các nền tảng video và mạng xã hội là đây. Không hiểu sao những kẻ vô ý thức kiểu này lại có thể nổi tiếng và kiếm được tiền, giống như trường hợp này (Khá “bảnh”) hay trường hợp rapper (Richoi) vừa đốt sách của các em học sinh Amsterdam gần đây (để quay MV). Các chất độc này không biết sẽ còn tiêm nhiễm vào đầu thế hệ tương lai những thứ rác rưởi gì nữa. Thật sự đáng buồn!”.

Hay cũng có người ngán ngẩm: “Hãy nhìn vào những tử tù trẻ tuổi như Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương… rồi đến câu chuyện của Châu Việt Cường và cái chết trẻ bởi sốc thuốc, từ lối sống ăn chơi sa đọa. Đó mới là thực tế, cái kết thảm thương cho lớp người trẻ đang say mê chạy theo những cuộc chơi vô bổ, tự hủy hại bản thân mình”.

Ở bên ngoài màn hình máy tính, điện thoại là một thế giới thực hoàn toàn khác với tưởng tượng của người trẻ. Thiết nghĩ, thay vì cổ súy và chạy theo lối sống độc hại, trở thành fan phong trào “đu bão” trên mạng; người trẻ có thể lựa chọn cách sống lành mạnh, tham gia những hoạt động thiết thực, bồi dưỡng những đức tính tốt đẹp, những kỹ năng sống cần thiết để phục vụ bản thân, phục vụ cộng đồng.