Tại sao phân bón giả vẫn hoành hành thị trường?

(PLO) - Việc cấp phép tràn lan trong khi thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất phân bón được cho là nguyên nhân khiến tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất kinh doanh (SXKD) phân bón giả vẫn diễn ra hoành hành trên thị trường.
Phân bón kém chất lượng hoành hành, người bị thiệt nhất là nông dân. Ảnh minh họa

Chiêu thức làm giả tinh vi

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua hoạt động SXKD phân bón kém chất lượng, nhái nhãn hiệu nổi tiếng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Điều này ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời gây thiệt hại lớn cho nông dân, các DN làm ăn chân chính và ảnh hưởng đến cả nền sản xuất nông nghiệp trong nước.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, hết quý 1/2018, cả nước đã kiểm tra 1.420 vụ việc liên quan đến lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, trong đó xử lý 306 vụ, 306 đối tượng vi phạm; xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Theo đánh giá, những kết quả trên của lực lượng chức năng rất khiêm tốn so với thực tế diễn ra sôi động trên thị trường.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó phân vô cơ chiếm khoảng 90%, phân hữu cơ và các loại phân bón khác chiếm khoảng 10%. Trung Quốc là nhà cung cấp phân bón lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 50% lượng phân bón nhập khẩu. Do thị trường có nhu cầu cao về phân bón, công tác quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để sản xuất, nhập lậu phân bón kém chất lượng để bán cho nông dân kiếm lời.

Chia sẻ với PLVN, ông Lê Quốc Phong, thành viên HĐQT, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Phân bón Bình Điền cho biết, có nhiều hình thức gian lận trong SXKD phân bón. Việc làm giả phân bón các nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay không còn quá phổ biến, bởi tất cả các công ty chân chính đều có cách tự bảo vệ mình. 

 Theo ông Phong, hiện nay nhiều DN nhỏ làm ra các loại phân bón chất lượng kém theo kiểu “không giống ai”. Theo đó, họ thường có chiêu thức làm giả các thông số kỹ thuật trên bao bì, khiến người nông dân nhầm lẫn. “Ví dụ, họ ghi hàm lượng là 20/20/15, bà con nhìn vô tưởng là 20% đạm, 20% lân, 15% kali. Nhưng thực chất, thông số 15% không phải kali mà là 15% silic”, ông Phong nói. 

Sản xuất ra những loại phân kiểu như trên tốn ít kinh phí, nhưng thông qua cách lừa này, họ bán giá đắt như các loại phân tiêu chuẩn khác để hưởng lợi chênh lệch. Theo ông Phong, những DN này sẵn sàng chi hoa hồng nhiều cho các đại lý, thậm chí họ chỉ thu tiền trước 50% khi bán cho nông dân. Nhưng thực ra, thu xong 50% là họ đã có lời. Sau đó, họ sẵn sàng xóa tên công ty nếu bị phát hiện. 

Trách nhiệm cơ quan cấp phép?

Nguyên lãnh đạo thương hiệu phân bón Đầu Trâu cho biết thêm, những DN sản xuất phân bón kém chất lượng này thường tấn công mạnh vào thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa, lợi dụng sự ít hiểu biết của bà con nông dân để kiếm lời.

Để bảo vệ thương hiệu, tránh bị làm giả, theo ông Phong, với những DN phân bón lớn, ít bị làm giả vì nhân viên thị trường của những công ty này rải khắp nơi, nếu phát hiện ra các loại hình giả thương hiệu của công ty mình sẽ lập tức báo cáo lại công ty để có hướng xử lý. Hiện nay các công ty đều có mã vạch, mã số riêng để tự kiểm soát. “Nhức nhối và khó kiểm soát nhất vẫn là các công ty nhỏ sản xuất phân kém chất lượng rồi tung ra thị trường”, ông Phong nói.

 Đồng quan điểm trên, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công Thương) cho biết, phân bón có sự quản lý chồng chéo, phân vô cơ của Bộ Công Thương, phân hữu cơ của Bộ NN&PTNT. Sự chồng chéo đó dẫn đến việc cấp phép tràn lan, cấp xong không có cơ chế giám sát hiệu quả, để các DN tự sản xuất phân gian dối rồi đưa ra thị trường. 

Theo ông Hùng, bản thân ông vừa trực tiếp đi kiểm tra ở TP HCM, riêng huyện Bình Chánh đã có tới 34 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó rất nhiều cơ sở nhếch nhác, sản xuất không đúng quy định. “Một thực tế không chấp nhận được, nhưng phải rất nhiều lần chúng tôi cương quyết làm việc, không dưới 6 lần thì mới xử lý được vài cơ sở”, ông Hùng bức xúc.

Theo vị lãnh đạo Cục QLTT, xảy ra tình trạng trên do cơ quan cấp phép không làm đúng trách nhiệm. Cấp phép xong để đấy, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lí các DN sản xuất gian dối. Ông Hùng cũng cho rằng, QLTT chỉ là đơn vị “ngọn”, sau khi phân giả, phân kém chất lượng được tuồn ra thị trường mới kiểm tra. Do đó, để hạn chế tình trạng phân bón kém chất lượng tung hoành, cần làm nghiêm ngay từ khâu cấp phép, giám sát DN hoạt động. 

Việt Nam có quá nhiều loại phân bón

Mới đây phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, ông đi đâu cũng nghe dân kêu phân bón giả, kém chất lượng. Theo ông Cương, hiện nay Việt Nam có quá nhiều loại phân bón, hàng nghìn loại; trong khi đất nước phát triển nông nghiệp như Thái Lan chỉ có hơn 100 loại. Từ đó, vị đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần chuẩn hóa phân bón về số lượng, chất lượng, tạo cơ sở pháp lý để quản lí tốt hơn, tránh nạn phân bón kém chất lượng hoành hành trên thị trường như hiện nay.

Đọc thêm