Tài xế chỉ chấp hành luật giao thông khi có đợt cao điểm tổng kiểm tra?

(PLVN) - Trong những ngày giữa tháng 7 này, lực lượng CSGT toàn quốc mở đợt cao điểm tổng kiểm soát đối với xe khách, container, xe máy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đón nhận thông tin này, “cánh” tài xế cũng tỏ ra thận trọng và chấp hành nghiêm chỉnh luật An toàn giao thông đường bộ hơn khi tham gia giao thông. Như vậy phải chăng, chỉ khi cơ quan chức năng mạnh tay vào cuộc xử lý thì ý thức tham gia giao thông của mọi người mới được nâng cao?
Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế.
Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế.

Xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự ATGT thời gian gần đây, thực hiện điện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát đối với xe ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô. 

Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên tất cả các tuyến giao thông đường bộ, trong đó tập trung tuyến quốc lộ trọng điểm và các tuyến cao tốc.

Cụ thể, sau khi dừng phương tiện, lực lượng CSGT sẽ kiểm soát 4 loại giấy tờ gồm: Đăng ký xe, GPLX, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe ô tô), giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác theo quy định.

Thông qua kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ kịp thời phát hiện và kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tập trung các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: nồng độ cồn, ma túy; chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm; sử dụng GPLX giả…Kế hoạch được thực hiện từ 15/7 đến hết ngày 14/8 và chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 15/7 đến hết ngày 29/7; đợt 2 từ ngày 30/7 đến hết ngày 14/8.

Trong những ngày đầu triển khai kế hoạch, theo ghi nhận tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và tại các tuyến đường cao tốc trọng điểm, lực lượng CSGT đã xử lý lập biên bản, tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe của hàng nghìn trường hợp vi phạm với chủ yếu các lỗi vi phạm như: vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ quy định, lưu thông không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm...

Thông qua đợt cao điểm tổng kiểm tra, kiểm soát lần này, lực lượng chức năng hy vọng sẽ kìm chế được tai nạn giao thông, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông do các loại xe khách, xe tải, xe container gây ra.

Người dân ủng hộ tăng cường kiểm tra

Chứng kiến những hình ảnh những chiếc khách chạy lạng lách, đánh võng trên đường, thậm chí rượt đuổi, chèn ép nhau, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, nhiều người dân vô cùng bất bình trước sự coi thường tính mạng của hành khách của doanh nghiệp vận tải, của các tài xế xe khách.

Tuy nhiên, không phải hành vi vi phạm nào của nhà xe, hay tài xế cũng được xử lý nghiêm khắc. Chỉ khi những hành vi như gây nguy hiểm, mất ATGT được ghi lại và đăng tải trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội thì lực lượng chức năng mới có căn cử để xử lý. 

Cũng một phần, do các tài xế cũng có trăm ngàn cách để “qua mặt” lực lượng chức năng. Cũng một phần bởi lực lượng chức năng cũng không phải lúc nào cũng có thể để triển khai chốt trực, tuần tra kiểm soát. Và cũng do hệ thống xử lý “phạt nguội” hiện nay ở nước ta đang trong quá trình hoàn thiện và triển khai. Nên mặc nhiên trong tiềm thức của những người tham gia giao thông hễ thấy vắng bóng lực lượng chức năng là vô tư vi phạm.

Với ý thức tham gia giao thông còn hạn chế hiện nay của người dân, hay nói cách khác “văn hoá giao thông Việt Nam” còn kém. Thì việc các cơ quan chức năng tổ chức các đợt kiểm tra kiêm soát, mạnh tay xử lý vi phạm, thiết lập kỷ cương nhằm đảm bảo ATGT luôn được sự ủng hộ từ người dân, 

Thậm chí với cả những người sống bằng nghề “bẻ vô lăng”, thông qua các đợt cao điểm này, người dân hy vọng ý thức tuân thủ luật khi tham gia giao thông của các tài xế sẽ được nâng cao.

Chia sẻ về việc này, anh Nguyên Vũ cho nói: “Tôi có người bạn, lái ôtô khá lâu năm tại Hà Nội, mỗi lần tôi ngồi bên cạnh là một phen thót tim. Lạng lách, vượt ẩu, chen vào từng khoảng trống nhỏ trên đường như đi xe máy. Tôi hỏi vội lắm à, sao đi nguy hiểm thế.

Câu trả lời là quen rồi, tất cả mọi người đều đi vậy, không thể đi khác được. Thế nhưng, khi tôi và người bạn này sang nước bạn, thì tuyệt nhiên người bạn tôi lại nghiêm chỉnh tuân thủ đúng làn đường tốc độ, thậm chí còn nhắc cả người ghế bên cạnh, trước sau thắt dây an toàn đầy đủ”.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế.

Tương tự, tại Việt Nam hiếm gặp người đi bộ sang đường đúng phần đường mà tiện chỗ nào là băng qua chỗ đó. Thế nhưng, sang nước ngoài cũng những người này đều nghiêm chỉnh chờ đợi đèn trước vạch đường của mình.

“Thiết nghĩ, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, không phải không thể thay đổi được ý thức của người dân Việt Nam, chẳng qua là các quy định hoặc luật chưa áp dụng triệt để, nghiêm khắc, đến nơi đến chốn và người tham gia giao thông có muốn tuân thủ hay không mà thôi.” – anh Vũ nói thêm.

Còn với “cánh” tài xế xe tải – xe khách, những loại phương tiện luôn được coi là hung thần xa lộ cũng tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ các đợt tổng kiểm tra như lần này của lực lượng CSGT. Tài xế xe khách Vũ Văn Hùng - tuyến Hà Nội – Vinh nói: “Chúng tôi rất ủng hộ việc các lực lượng tổng kiểm tra như vậy.

Tất cả các loại ôtô, xe khách, xe máy... bị kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt đúng người, đúng lỗi. Tài xế chúng tôi cũng mong muốn lực lượng CSGT nên thường xuyên tăng cường kiểm tra nồng độ cồn và ma túy, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc như thời gian qua. Góp phần nâng cao ý thức không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông của mọi người.”

Một số tài xế khác cũng cho biết thêm, họ rất mong muốn qua những đợt kiểm tra, xử lý như hiện nay thì việc chấp hành luật khi tham giao thông của mọi người sẽ được “in sâu” vào ý thức của họ. Không chỉ là việc miễn cưỡng chấp hành khi có đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý.

Hiệu quả từ các đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm

Những năm qua, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông là một trong những giải pháp cơ bản góp phần nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề an toàn giao thông. Cùng với đó là các đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm ATGT của các lực lượng chức năng đã góp phần đẩy mạnh cả về hình thức và nội dung, từ đó đã đem lại hiệu quả nhất định trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, từ ngày 15-12-2018 đến 14-6-2019, thành phố đã xảy ra 1.660 vụ TNGT đường bộ, làm 303 người chết, 1.147 người bị thương, hư hỏng 2.432 phương tiện. Từ số liệu này cho thấy TNGT giảm cả 3 tiêu chí, trong đó giảm 119 vụ (-7%), giảm 39 người chết (-11%), giảm 66 người bị thương so với năm 2018.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, PC08 đã lập biên bản xử phạt 144.834 trường hợp vi phạm (gồm 6.828 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 2.120 trường hợp vi phạm lưu thông vào đường cấm, khu vực cấm; 26.297 trường hợp vi phạm qua hình ảnh...). 

Việc lập các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ…là một trong những giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm hạn chế những hành vi, vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Việc tiếp tục duy trì và tăng cường lực lượng cũng như phương tiện để xử lý, tập trung vào các giờ cao điểm và ngày cao điểm trong một thời gian dài, theo từng đợt cao điểm sẽ giúp người dân dần dần ý thức được vấn đề này, số người vi phạm giảm dần. 

Theo dự đoán, từ nay đến cuối năm, tình hình trật tự an toàn giao thông được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Để kiểm soát tình hình, lực lượng CSGT trong cả nước sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nói chung và vi phạm nồng độ cồn nói riêng.

Trong đó, cùng với công tác tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ, tỉnh lộ, lực lượng công an sẽ tăng cường xử lý các vi phạm trên các tuyến từ thành thị đến nông thôn nhằm góp phần hạn chế TNGT.

Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe.

Đọc thêm