Hình ảnh của vị bác sỹ này lập tức tràn ngập trên mạng với những lời khen ngợi, cổ vũ, động viên, chia sẻ, tuyệt đối không có một câu dè bỉu, chê bai hoặc soi mói “anh ta làm như thế vì động cơ gì”, “để làm gì”,... Việc làm đó càng trở nên chói sáng trong bối cảnh mà người ta chặn xe cứu thương chở trẻ em hấp hối, bỏ mặc sản phụ đến chết, chậm trễ cấp cứu, vô cảm trước người bệnh,... đang xảy ra nhan nhản tại các bệnh viện luôn luôn treo cao khẩu hiệu y đức.
Một bác sỹ còn trẻ, cương vị là Phó Giám đốc Bệnh viện mà ra chợ xin tiền cứu giúp bệnh nhân, chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để thấy anh đã vượt ra khỏi tầm y đức thông thường, ngoài phạm vi của bệnh viện để làm một cái việc mà xưa nay chưa người bác sỹ nào dám làm.
Hành vi này gọi là y đức chưa đủ, đó là tâm đức của một con người, không trong vòng hành xử bắt buộc của y đức đối với chỉ riêng người thầy thuốc, trong bệnh viện, lúc anh khoác tấm áo trắng lên người, hơn cả thế, đây là cách hành xử của một con người nhân bản
Thời buổi này thật hiếm có một bác sỹ như vậy, hy vọng đây là một tấm gương đạo đức để ngành y học tập, để mọi người tin rằng trong đội ngũ thầy thuốc vẫn còn có những “lương y như từ mẫu”!
Ở một diễn biến khác cũng chan chứa tình người, gây xúc động cho cả cộng đồng. Đó là trường hợp em bé chỉ được bố nuôi bằng nước cơm, suy dinh dưỡng nghiêm trọng được một nhóm du khách giúp đỡ, hình ảnh thương tâm của em lan truyền trên mạng.
Em bé Sa Pa đó giờ đã hồng hào, đã lên cân, đã khỏe và điều cốt yếu, em trở thành biểu tượng của tình thương yêu, đùm bọc, chia sẻ của cộng đồng. Nếu như ai cũng làm ngơ, cho là việc của người khác, là trách nhiệm của xã hội thì có lẽ em đã không còn sống.
Hai việc thiện nguyện xảy ra “giữa đường, giữa chợ” ở các địa phương miền núi gây xúc động và làm thức dậy tình cảm và lương tri con người.