Con bị khối u biến dạng hộp sọ, cả gia đình lâm cảnh khốn cùng

(PLO) -Sau ca phẫu thuật tách bỏ khối u não ác tính, bé Lâm Thành Đạt (2 tuổi, quê Trà Vinh) may mắn được cứu sống, nhưng một phần hộp sọ bị cắt bỏ khiến phần đầu biến dạng nặng, đau đớn. Nhìn phần đầu méo mó của con, chị Nguyễn Thị Trúc (SN 1982) không kìm được nước mắt, nghẹn ngào nói: “Bác sĩ nói giờ phải phẫu thuật ghép hộp sọ cho bé. Vợ chồng tui nghèo quá, thương con đứt ruột nhưng kiếm đâu ra tiền. Tiền vay nóng lần trước còn chưa trả kịp, không có tiền thuê nhà, mấy tháng nay vợ chồng tui phải bồng con đi ở nhờ...”.
 Trong đợt xạ trị, đôi mắt bé Đạt lúc nào cũng ứa nước vì đau đớn.
Trong đợt xạ trị, đôi mắt bé Đạt lúc nào cũng ứa nước vì đau đớn.

Tình “chị, em”

Vợ chồng chị Trúc cùng quê ở huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), hai nhà chỉ cách nhau mấy công ruộng. Từ thuở bé, chị Trúc và anh Lâm Vũ Phương (SN 1993) đã sớm quen biết. Sau những lần cùng chèo đò chặt lá dừa nước, cùng mót lúa, đặt trúm bắt con lươn, con cá, hai chị em dần trở thành đôi bạn thân thiết. Thấy chị Trúc hiền lành lại chịu thương chịu khó, anh Phương đã đem lòng yêu thương “chị” lúc nào không hay. 

Tuy nhiên, chuyện tình của cặp đôi “đũa lệch” sớm bị hai bên gia đình kịch liệt phản đối. Anh Phương tâm sự: “Cha mẹ tui không đồng ý vì chị lớn hơn tui những chín tuổi. Họ lo ngại chuyện tình của tui và chị sẽ trở thành đề tài “nóng” cho hàng xóm bàn tán, chê cười, đồng thời sợ chị đã nhiều tuổi sẽ không sinh được con nối dõi tông đường. Còn phía cha mẹ chị lại chê tui trẻ con, chưa hiểu chuyện, chưa đủ sự chín chắn để làm chồng chị”. 

Hết cách thuyết phục, cuối năm 2010, hai người khăn gói dắt nhau lên Sài Gòn vừa mưu sinh vừa hi vọng ở quê nhà cha mẹ hai bên sẽ nghĩ lại. 

Vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, họ thuê một phòng trọ nhỏ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) chung sống. Anh Phương xin vào làm công nhân trong một công ty ở gần chỗ trọ, còn chị Trúc đi làm giúp việc, hoặc ai thuê gì làm nấy. 

Chị Trúc buồn bã trải lòng: “Hồi mới đến với nhau, cuộc sống tuy chật vật nhưng chưa một lần vợ chồng tui xích mích hay tiếng to tiếng nhỏ. Chỉ có một nỗi buồn là mãi mà chưa có được mụn con”. 

Sau hơn bốn năm chung sống, cuối năm 2014, chị Trúc mới sinh được một bé trai. Người mẹ nhớ lại: “Lúc tui mang bầu, bác sĩ nói tui đã lớn tuổi, sức khỏe lại yếu nên sinh nở rất nguy hiểm. Họ khuyên tui nên bỏ đứa con để tránh nguy hại tính mạng.

Tui chỉ trả lời một câu “có con là khao khát duy nhất của cuộc đời tui, có chết tui cũng gắng sinh cháu rồi mới chết”... Đến lúc lâm bồn, tui bị khó sinh, phải nằm viện hai tháng trời”.  

Hạnh phúc không trọn vẹn

Ngày bé Đạt chào đời, vợ chồng chị Trúc vui mừng khôn xiết trong niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ. Cũng từ ngày đó, hai bên gia đình nội ngoại đã dần chấp thuận mối duyên từng bị xem là “nghịch duyên” của các con. Không lâu sau, một đám cưới nghèo được tổ chức trong sự chúc phúc của họ hàng, xóm giềng.

Với số vốn ít ỏi, vợ chồng chị Trúc bàn nhau vay mượn thêm rồi trở lại Sài Gòn mở tiệm sửa xe nhỏ. Công việc khó khăn, chỉ một thời gian ngắn, tiệm sửa xe của anh Phương đành phải sang chủ. Anh Phương trở lại nghiệp công nhân, xin vào làm việc trong công ty sản xuất bao bì ở huyện Bình Chánh. 

Để có thêm tiền mua sữa cho con, anh Phương phải tăng ca làm việc cả đêm lẫn ngày nghỉ. Thương chồng vất vả, đợi lúc con ngủ, chị Trúc ẵm con cùng đến chỗ làm, cật lực làm lụng. Cách đây bốn tháng, bé Đạt liên tục có những dấu hiệu quấy khóc, nôn ói, da dẻ xanh xao, tím tái, thường ngủ li bì rất lâu. 

Vợ chồng anh Phương, chị Trúc lâu nay phải ôm con đi ở nhờ.
Vợ chồng anh Phương, chị Trúc lâu nay phải ôm con đi ở nhờ.

Ôm con đến bệnh viện quận Thủ Đức rồi chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), vợ chồng chị như “sét đánh bên tai” khi các bác sĩ cho hay bé Đạt bị u não ác tính, buộc phải phẫu thuật sớm, nếu không khối u sẽ phát triển chèn vào dây thần kinh gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Anh Phương, chị Trúc cùng xuất thân trong hai gia đình đông anh chị em, cha mẹ hai bên nội ngoại đều đã già yếu. Những người anh em tuy đã trưởng thành, đều lập gia đình nhưng ai cũng nghèo, chỉ “bám” vào công ruộng và nghề đan lá dừa “ba đồng ba cọc”.

Nghe tin cháu còn thơ dại đã lâm trọng bệnh, cha mẹ anh Phương đành “cắn răng” bán ba công lúa non, được hơn 15 triệu đồng gửi lên Sài Gòn “cứu” tính mạng cho cháu. Số tiền viện phí còn lại, vợ chồng anh chị phải sấp ngửa chạy vạy vay nóng thêm từ bạn bè, người quen. 

Theo lời kể của anh Phương, đợt phẫu thuật cắt bỏ khối u cho bé Đạt được thực hiện rất thuận lợi, nhưng sau đó vết mổ bị nhiễm trùng sưng phù cả phần đầu. Các bác sĩ lại tiếp tục phẫu thuật lần hai tháo bỏ phần hộp sọ bị tổn thương. 

Ngồi bên chồng, chị Trúc đau đớn kể thêm: “Miếng hộp sọ của cháu bị nhiễm trùng rất nặng, không thể cứu được nên bác sĩ đã đưa cho vợ chồng tui đi chôn cất. Phần não bên phải không có lớp hộp sọ bảo vệ nên bị hõm sâu vào bên trong, tạo thành lỗ lớn...

Hồi trước cháu rất lém lỉnh, hay tập nói, cười, ngoan ngoãn... Nhưng từ sau đợt mổ, cháu liên tục quấy khóc, kêu đau, không còn sức để nói cười nữa. Nhìn con còn thơ bé đã phải chịu những nỗi đau đớn, vợ chồng tui đêm nào cũng không thể chợp mắt, chỉ biết ôm con khóc...”.

Lâm cảnh khốn cùng

Hơn hai tháng trường kỳ điều trị ở bệnh viện, đầu tháng 6 vừa qua, sức khỏe bé Đạt đã dần ổn định được xuất viện về nhà. Anh Phương buồn bã chia sẻ: “Vợ chồng tui không còn tiền thuê nhà ở thành phố, định sẽ đưa cháu về quê nhưng bác sĩ nói cần phải đến bệnh viện theo dõi thường xuyên. Trong lúc cùng quẫn, vợ chồng tui may mắn được người họ hàng cho ở nhờ cùng phòng trọ.

Từ khi con lâm bệnh, vợ tui phải ở nhà chăm cũng vất vả nhiều, kinh tế lại kiệt quệ, tui phải xin ở lại công ty để làm thêm buổi tối kiếm thêm ít tiền thuốc men, bồi dưỡng cho cháu”. 

Sau thời gian xuất viện ngắn ngủi, sáng 14/7/2016, bé Đạt được cha mẹ đưa trở lại khoa Nội ung bướu vệ tinh (thuộc Bệnh viện Ung bướu quận 2, TP.HCM) vì sức khỏe có dấu hiệu suy yếu, phải truyền thuốc đặc trị khối u ác tính. 

Theo chẩn đoán, hướng điều trị của các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu quận 2, thời gian ngắn tới sẽ tiếp tục xạ trị đợt hai cho cháu Đạt. Nếu quá trình xạ trị diễn ra thuận lợi, sức khỏe bé ổn định thì sau bốn tháng nữa sẽ phẫu thuật ghép sọ cho bé. 

Chiều muộn, anh Phương, chị Trúc và cậu con trai tội nghiệp, cả gia đình ba người ngồi thất thần trên chiếc ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Cháu Đạt được mẹ ẵm chặt trong lòng, đôi mắt long lanh lúc nào cũng ứa nước vì đau đớn. 

Chị Trúc nhìn vào vết lõm sâu trên đầu con, đôi mắt đỏ hoe: “Mới xạ trị được một ngày mà tóc bé dần rụng hết, những đầu móng tay đen xạm, da dẻ xanh xao. Đêm nào bé cũng không ngủ được, cứ khóc kêu đau...

Bác sĩ nói giờ phải phẫu thuật ghép hộp sọ cho bé. Vợ chồng tui nghèo quá, lương công nhân không đủ đắp đổi miếng cơm, thương con đứt ruột nhưng kiếm đâu ra số tiền “khổng lồ” hơn 50 triệu ghép sọ cho con. Những ngày ở bệnh viện, may mắn có những nhà hảo tâm giúp đỡ khi hộp cơm, khi hộp sữa cho cháu. Đến tiền vay nóng lần trước còn chưa trả kịp, không có tiền thuê nhà, mấy tháng nay vợ chồng tui phải bồng con đi ở nhờ...”.

Bạn đọc hảo tâm giúp đỡ gia đình bé Đạt xin liên hệ chị Nguyễn Thị Trúc, số điện thoại 0935.612.562; số tài khoản 155.0105.3980.03 (Nguyễn Thị Trúc, Ngân hàng Quân đội MB, chi nhánh An Phú, quận 2, TP.HCM).

Đọc thêm